Trung Quốc đang cố gắng lấn chiếm và kiểm soát Biển Đông
Thế giới - Ngày đăng : 04:26, 26/05/2014
- Thưa GS Carl Thayer, trong bối cảnh các cường quốc khác đang bị chi phối bởi nhiều vấn đề, việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có phải là một sự tính toán kỹ lưỡng?
- Theo tôi, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam chủ yếu là động lực để vực dậy cái gọi là thành phố Tam Sa (Trung Quốc đã thiết lập phi pháp, nhằm quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam - PV). Trung Quốc đã xây dựng một đơn vị đồn trú quân sự và ban hành các quy định về ngư dân nước ngoài đánh cá trong vùng biển này và bây giờ tuyên bố rằng giàn khoan đang hoạt động trong "vùng lãnh hải" của quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa - PV). Hành động này ngoài việc trực diện nhắm vào Việt Nam, Trung Quốc cũng muốn kiểm chứng phản ứng của Mỹ ra sao khi Washington còn đang bận tâm với các sự kiện ở Syria, Trung Đông và Ukraine.
- Những thông tin gần đây cho thấy, khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép không có trữ lượng dầu mỏ quá lớn và nếu có thì việc khai thác cũng không dễ dàng đối với nước này. Vậy phải chăng đằng sau đó là một tính toán khác?
- Theo tôi biết, khi Chính phủ Trung Quốc yêu cầu Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương (CNOOC) đặt giàn khoan tại lô 143, các quan chức CNOOC phản đối. Đầu tiên, chi phí hằng ngày của việc duy trì các giàn khoan dầu ở đó cho đến ngày 15-8-2014 sẽ là quá cao. Thứ hai, đã có đánh giá rằng khu vực đó có trữ lượng dầu thấp.
Trong quá khứ, Trung Quốc luôn lấy lý do của cái gọi là "hành động khiêu khích" của nước khác biện minh cho hành động quyết liệt của mình. Dường như Bắc Kinh thực hiện hành động đó để cố gắng chiếm, kiểm soát Biển Đông càng nhiều càng tốt, trước khi Tòa án trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết đối với đơn kiện của Philippines. Trung Quốc muốn hiện thực hóa cho cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" trên Biển Đông dựa vào yêu sách "đường chín đoạn".
- Giáo sư có thể dự báo những leo thang tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông là gì sau vụ giàn khoan Haiyang Shiyou - 981?
- Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thu hồi giàn khoan dầu trước ngày 15-8 do mùa mưa bão ở Biển Đông thường bắt đầu từ tháng 9, 10. Trung Quốc cũng không muốn đặt vĩnh viễn giàn khoan tại đây vì phải cần đến một lực lượng tàu bảo vệ rất lớn. Tôi chờ đợi một đợt giảm căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng tôi không mong đợi Trung Quốc sẽ "xuống nước" với Philippines mà sẽ tiếp tục gây áp lực với nước này với hy vọng Manila sẽ rút đơn kiện từ Tòa án trọng tài quốc tế. Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và cố gắng phân tán các quốc gia thành viên ASEAN trong vấn đề này. Tùy thuộc vào phản ứng của Mỹ, Trung Quốc có thể tuyên bố một vùng Nhận dạng phòng không giới hạn (ADIZ) xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
- Giáo sư có thể cho biết đánh giá của ông về lập trường của Việt Nam trong những ngày gần đây? Những gì Việt Nam cần phải làm để ngăn chặn hành động tương tự của Trung Quốc?
- Việt Nam lựa chọn lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư mà không phải là hải quân và quân đội để ngăn chặn Trung Quốc là rất chính xác. Việt Nam cũng kiên định lập trường giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2014 tại Philippines mới đây là những phát biểu đanh thép, cho thấy rõ những hành động của Trung Quốc là mối đe dọa lớn cho hòa bình và an ninh trong khu vực. Tôi nghĩ, Việt Nam đã có được một thắng lợi chính trị bước đầu khi các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông. Nói vậy bởi trong quá khứ, nhiều thành viên của ASEAN đã xem bất kỳ tranh chấp liên quan đến quần đảo Hoàng Sa như một vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tại hội nghị vừa qua, hành động của Trung Quốc như là một mối nguy hiểm cho an ninh khu vực. Việt Nam cũng cần vận động dư luận quốc tế và vận động hành lang với tất cả các đối tác đối thoại của ASEAN.
- Những ngày gần đây, cộng đồng quốc tế đồng loạt lên tiếng quan ngại về tình hình ở Biển Đông. Theo ông, vai trò của ASEAN và các nước khác trong nỗ lực làm dịu tình hình sẽ có kết quả?
- Trung Quốc khó có thể duy trì mối căng thẳng trong thời gian dài vì nếu điều đó kéo dài sẽ làm sống lại "mối đe dọa Trung Quốc" hình thành từ những năm 1990 và gây ra nhiều lo ngại cho các nước trong khu vực. Các nước ASEAN đều lo ngại trước hành động hung hăng của Trung Quốc và thể hiện sự ủng hộ về chính trị và ngoại giao với Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, mối quan hệ với ASEAN phần nào sẽ bị ảnh hưởng nhưng về chiến lược tổng thể thì Trung Quốc sẽ không thay đổi.
- Xin cảm ơn Giáo sư!