Từ “địa ngục trần gian” đến “thiên đường” du lịch

Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 25/05/2014

(HNM) - Côn Đảo vẫn còn đó hàng loạt chứng tích minh chứng cho một thời kỳ bi tráng của lịch sử. Những năm gần đây, đời sống kinh tế - xã hội ở Côn Đảo đang có nhiều khởi sắc. Và Côn Đảo đã trở thành "thiên đường" - một địa chỉ đáng đến đối với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 đảo lớn, nhỏ, với tổng diện tích trên 72km2, được mang tên hòn đảo lớn nhất. Ai dù chỉ một lần đặt chân đến đây cũng đủ mê mẩn và không ít người đã ví Côn Đảo như “Thiên đường chốn trần gian”.

Những con đường vắng vẻ và sạch sẽ đến kinh ngạc. Nơi đây không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông, không xảy ra kẹt xe, không có khói bụi hay ồn ào và cũng không có hàng rong.

Cầu tàu 914, nơi chứng kiến cuộc vượt ngục đầu tiên của những chiến sĩ cách mạng bị đày ra Côn Đảo. Rất nhiều người đến đây rồi không bao giờ trở về. Con số 914 được đặt tên cho cầu tàu này là do những người tù còn sống nhẩm tính từng đó người tù đã ngã xuống trong quá trình xây dựng cầu tàu này. Thực tế con số người đã ngã xuống lớn hơn nhiều.

Lặn biển ngắm san hô là sản phẩm du lịch được nhiều người yêu thích.

Hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo và những hiện vật không chỉ tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa mà thực dân, đế quốc đã gây ra ở Việt Nam suốt hơn một thế kỷ mà còn biểu dương bản lĩnh của những người tù đã bất chấp roi vọt và sự tra tấn dã man, hằng ngày vẫn học tập chính trị, văn hóa và cất lên tiếng ca để át đi tiếng gông xiềng.

Và Côn Đảo cũng là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước một cách thiết thực, không giáo điều. Hơn 45.000 du khách đến với Côn Đảo trong 9 tháng qua hầu hết đều tham quan các hệ thống nhà lao.

Ngư dân Côn Đảo chuẩn bị cho một chuyến ra khơi.

Xuân Long - Hiền Lương - Sơn Hà