Đừng để việc quản trị, quản lý chung cư thành ''nghề nguy hiểm''
Đời sống - Ngày đăng : 12:37, 05/04/2023
Chịu trách nhiệm lớn
Chung cư Carina được đưa vào sử dụng một phần từ năm 2012, quy mô 736 căn hộ trong tòa nhà 21 tầng (tương đương hơn 1/5 tổng dự án). Tuy nhiên, đến tận năm 2018 (khi xảy ra vụ cháy), chung cư này chưa bầu Ban Quản trị (pháp nhân đại diện cư dân tham gia quản lý chung cư). Trong thời gian đó, chủ đầu tư ký hợp đồng với một doanh nghiệp vận hành, quản lý tòa chung cư.
Trong quá trình hoạt động, cơ quan chức năng nhiều lần kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy của chung cư Carina. Theo các biên bản ghi nhận, các hạng mục đều “đạt”.
Tuy nhiên, vào rạng sáng 23-3-2018, khi ngọn lửa bùng phát từ một xe máy để dưới hầm rồi lan nhanh ra các xe khác, hệ thống báo cháy và chữa cháy không hoạt động. Khói độc bốc lên cao khiến 12 người tử vong vì ngạt khói, 1 người tử vong do nhảy từ trên cao xuống đất. Thiệt hại về người và tài sản là rất lớn.
Ông Lê Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý bất động sản Nam Sài Gòn (đơn vị đang quản lý nhiều chung cư tại quận 7, thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Quản lý chung cư chưa bao giờ là công việc dễ dàng, rủi ro cao vì nhiều vấn đề liên quan không thuộc thẩm quyền giải quyết. Để vận hành an toàn, phụ thuộc rất lớn vào chủ đầu tư dự án trong việc đầu tư cho các hạng mục, quy chuẩn, mức độ trang thiết bị an toàn, vận hành. Sau đó, phụ thuộc vào quan điểm của ban quản trị (nếu đã có). Nhưng trách nhiệm cuối cùng và lớn nhất vẫn thuộc về ban quản lý”.
Đơn cử như chung cư Hoàng Anh Thanh Bình trên đường D4, phường Tân Hưng (quận 7), nơi có 3 khối nhà cao 36 tầng với hơn 1.000 hộ dân sinh sống. Chủ đầu tư dự án chỉ trang bị hạ tầng kỹ thuật phòng cháy đủ dùng: Cảm biến khói chỉ có trong bếp và vòi phun tự động theo nhiệt độ chỉ có ở cửa ra vào các căn hộ. Cửa ngăn khói, thoát hiểm cầu thang hiện mở cả 2 chiều (dễ lọt khói khi xảy ra cháy từ phía dưới).
Vì cơ sở hạ tầng có sẵn như thế, Ban Quản lý luôn phải chủ động tuần tra và kêu gọi người dân cùng cảnh giác phòng, chống cháy nổ. Nhờ vậy, vào ngày cuối cùng của năm 2022, khi ngọn lửa vừa bùng phát từ máy sấy quần áo trong một căn hộ trên tầng 27 tòa nhà B khi chủ nhà đi vắng, người dân đã nhanh chóng phát hiện, cùng lực lượng tại chỗ phối hợp dập tắt ngọn lửa, bảo đảm an toàn cho cả tòa nhà.
“Ban Quản lý không phải là bên chi tiền để hoàn thiện hay nâng cấp hệ thống phòng cháy, chữa cháy của chung cư. Chúng tôi chỉ đề xuất các nội dung cần thực hiện. Nhưng nếu không có tiền từ quỹ bảo trì hay sự đồng ý của Ban Quản trị (hoặc chủ đầu tư), chúng tôi không thể triển khai. Đây là một nội dung gây nhiều áp lực nhất cho đơn vị quản lý như chúng tôi. Ngoài ra, rất mong cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các chung cư cũ được nâng cấp hệ thống phòng, chống cháy nổ mà không phải làm lại thủ tục xin hoàn công hạng mục này, để có thể thực hiện nhanh việc thay thế thiết bị, bảo đảm an toàn vận hành”, ông Thành nói.
Mong cơ quan chức năng vào cuộc
Sau vụ cháy chung cư Carina, nhiều chủ đầu tư chung cư tại thành phố Hồ Chí Minh đã dùng “sức ép” để buộc cư dân bầu Ban Quản trị, dù chung cư chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu. Mục tiêu là bàn giao bớt các hạng mục từ chủ đầu tư sang Ban Quản trị, giảm bớt trách nhiệm. Chung cư Mỹ Phú (60/68 đường Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7) là một điển hình. Chung cư với 2 khối nhà 24 tầng, quy mô hơn 240 căn hộ đi vào sử dụng từ năm 2015. Tuy nhiên, đến cả sau khi vụ cháy chung cư Carina xảy ra, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chung cư Mỹ Phú vẫn chưa hoàn thiện.
Với lý do hạn chế về ngân sách, chưa thể hoàn thành hạng mục này, chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để cư dân bầu Ban Quản trị, sau đó “ép” Ban Quản trị nhận bàn giao hiện trạng nhiều hạng mục kỹ thuật, bao gồm cả hệ thống phòng cháy, chữa cháy để cùng Ban Quản lý chịu trách nhiệm vận hành.
Ông Phương Lân, thành viên Ban Quản trị chung cư Mỹ Phú giai đoạn 2019-2020, chia sẻ: “Cư dân chúng tôi bị đẩy vào thế khó. Nếu để chủ đầu tư tiếp tục quản trị chung cư, họ không làm gì để hoàn thiện phần việc dang dở. Sự an toàn của cư dân bị đặt vào tay người khác. Nếu Ban Quản trị nhận bàn giao, mình quan tâm sát sườn hơn, sẽ giảm phần nào nguy cơ, nhưng lại tăng phần trách nhiệm cá nhân. Suy đi tính tại, chúng tôi vẫn nhận bàn giao để tự mình bảo vệ mình”.
Ông Lân đề xuất: “Chung cư chưa nghiệm thu, nhưng chủ đầu tư vẫn cho dân vào ở. Các hệ thống an toàn chưa hoàn thiện, chung cư vẫn vận hành. Người mua nhà luôn lép vế trước chủ đầu tư khi đã trả đủ tiền mua nhà... Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng vào cuộc để đủ sức răn đe, buộc chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ của mình".
Rất mong, với sự vào cuộc đồng bộ, chúng ta sẽ không bao giờ lặp lại thảm họa Carina một lần nữa.