Đào tạo kiểu ”cầm tay chỉ việc”

Văn hóa - Ngày đăng : 06:20, 25/05/2014

(HNM) - Hôm rồi, một khóa học làm phim cho các bạn trẻ có chút "máu" nghệ thuật mang tên Toto 2014 được khai mạc và sẽ chính thức khởi động vào đầu tháng 6 tới tại Trường Điện ảnh quốc tế Sài Gòn. Đây cũng là lần thứ 3 dự án làm phim kiểu "cầm tay chỉ việc" này được thực hiện do xã hội hóa và "hoàn toàn miễn phí".

Chuyện này ích gì cho điện ảnh?

Toto 2014 được giới thiệu là sẽ dạy cho các bạn trẻ những chuyện bếp núc cụ thể nhất của nghệ thuật thứ bảy như viết kịch bản, quay phim, diễn xuất, sản xuất phim… và nhất là tự tay thực hiện các dự án phim của mình với sự hỗ trợ của chính các nghệ sĩ Việt. Cũng giống như các dự án làm phim của TPD - Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng trẻ điện ảnh (Hội Điện ảnh Việt Nam) ở Hà Nội, các đạo diễn phim truyện, phim tài liệu, diễn viên, nhà dựng phim trong và ngoài nước… đã tham gia cùng các bạn trẻ trên từng bước đi trong hành trình làm ra một bộ phim cho dù là chỉ 5-10 phút.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho rằng "cơ hội ăn, ngủ, vật lộn" với nghề làm phim dù chỉ trong một thời gian ngắn cũng sẽ đủ gieo vào lòng những bạn trẻ có chút đam mê điện ảnh một nhận thức đúng đắn về con đường mình theo đuổi.

Bên cạnh đó, dễ nhận ra đây cũng là cách làm khôn ngoan của giới nghề nghiệp nhằm chủ động tìm kiếm nguồn lực làm phim trong tương lai. Thực tế là, không ít ý tưởng dù việc thực thi còn non nớt nhưng nó cũng đủ gây ngạc nhiên và thu hút các nhà làm phim đã thành danh. Chưa kể, có những bộ phim đầu tay xuất hiện từ các lò dạy kiểu thực hành như trên đã được trình chiếu giới thiệu tại sân chơi lớn của điện ảnh là các liên hoan phim quốc tế… Phương cách truyền nghề hiệu quả này cũng cần thiết với ngay cả với các nhà điện ảnh đã có tên tuổi. Nhà quay phim Lý Thái Dũng đã học sử dụng máy quay phim kỹ thuật số hiện đại nhất thế giới từ chính một khóa thực hành ngắn hạn tại Mỹ.

Phải nói, đây là hoạt động phù hợp với kế hoạch và chiến lược điện ảnh của Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030 nhằm phát triển nguồn nhân lực bằng xã hội hóa. Tất nhiên, đào tạo kiểu xâm nhập thực tế, bằng "cầm tay chỉ việc" như vậy không nhằm thay thế đào tạo cơ bản. Chưa kể, nguồn lực xã hội hóa thường không ổn định. Khuyến khích, tạo ra cơ chế hỗ trợ nó vận hành lại vẫn cần đến bàn tay Nhà nước!

Người Lái Đò