Nhất trí đề nghị thông qua Luật đầu tư công
Chính trị - Ngày đăng : 16:29, 24/05/2014
Theo các đại biểu, dự luật Đầu tư công đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, có nhiều nội dung đổi mới, tạo sự công khai, minh bạch trong phân bổ đầu tư, khắc phục được hiện tượng đầu tư dàn trải, cơ chế xin-cho, góp phần phòng, chống tham nhũng, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong quản lý đầu tư công, thể hiện được chủ trương tái cơ cấu đầu tư công của Đảng và Nhà nước… Các đại biểu nhất trí đề nghị Quốc hội thông qua dự luật Đầu tư công tại kỳ họp này.
Đánh giá dự án Luật đầu tư công đã thể hiện tính quyết liệt của Việt Nam trong việc chấn chỉnh đầu tư công, đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai cho rằng, sự quyết liệt này cần được thể hiện ở sự đột phá về thể chế, tác động mạnh mẽ vào quá trình tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế, phân định rõ thẩm quyền gắn với trách nhiệm của từng cá nhân từ trung ương đến địa phương trong phân cấp đầu tư công.
“Vấn đề quan trọng hàng đầu trong đầu tư công là phải làm rõ được hiệu quả đầu tư công, đây là cơ sở đánh giá trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong đầu tư công và là căn cứ không thể thiếu trong việc quyết định đầu tư”, đại biểu Vở nói.
Đại biểu Vở nhất trí, việc quyết định đầu tư công phải căn cứ vào quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội nhưng trong đó, đặc biệt chú trọng quy hoạch vùng kinh tế, khắc phục tình trạng dàn trải, thiếu trọng điểm, xin-cho…
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng – Bình Phước cũng cho rằng, để khắc phục cơ chế xin-cho, trách nhiệm không rõ ràng, đầu tư dàn trải, cần phải bổ sung và đề cao nguyên tắc đảm bảo hiệu quả đầu tư vào trong Luật. Nguyên tắc này phải được quán triệt trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư. Dự luật cũng cần được bổ sung tiêu chuẩn, tiêu chí và cơ chế giám sát để có thể đánh giá chính xác hiệu quả của các dự án đầu tư công.
Theo các đại biểu Lê Thị Nguyệt – Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Bình – Hải Phòng, Bùi Văn Phương – Ninh Bình, Mai Thị Ánh Tuyết – An Giang, Nguyễn Thị Hồng Hà - Hà Nội, việc công khai, minh bạch và giám sát đầu tư công là đặc biệt quan trọng nhưng các quy định như trong dự luật là chưa đủ tầm, đủ mức; một số quy định liên quan đến xử lý sai phạm chưa đủ sức răn đe, cần bổ sung quy định về trách nhiệm khi lập, thẩm định dự án không đúng thực tế.
“Thực tế thất thoát vốn đầu tư công trong thời gian qua có nguyên nhân là chúng ta chưa có cơ chế giao cho MTTQ, phát huy sức mạnh của truyền thông trong công khai, minh bạch và giám sát đầu tư công. Quốc hội nên có quy định cụ thể về vấn đề này, có thể ban hành văn bản không theo thông lệ”, đại biểu Nguyệt đề nghị.
Để góp phần hoàn thiện hơn dự án luật Đầu tư công, đại biểu Huỳnh Nghĩa – Đà Nẵng đề nghị hoàn chỉnh thêm các tiêu chí phân loại dự án đầu tư theo hướng rõ ràng, cụ thể cho từng nhóm dự án. Cách phân loại phải dựa vào cả tính chất nguồn vốn đầu tư công, chứ không chỉ đơn thuần dựa vào quy mô dự án…
Đại biểu Nghĩa cũng đề nghị, với các dự án nhóm A được đầu tư bằng nguồn ngân sách địa phương, nên giao HĐND cấp tỉnh quyết định, không cần trình Thủ tướng, như vậy vừa đảm bảo sự thống nhất của các văn bản, vừa đảm bảo sự chủ động, tăng cường trách nhiệm của địa phương, nhưng đặc biệt lưu ý tới khả năng tự cân đối ngân sách để tránh đầu tư tràn lan, kém hiệu quả.
Ủng hộ thông qua dự luật Đầu tư công, đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh lưu ý thêm, luật này là một bộ phận trong thể chế tài chính công, trong đó có Luật ngân sách Nhà nước, Luật tổ chức chính quyền địa phương. Hiện Việt Nam đang đổi mới thể chế tài chính công, nên nếu sắp tới có thêm các luật mới thì luật Đầu tư công thông qua kỳ này nên có những điều khoản mở.