Băn khoăn việc đưa nội dung quy hoạch xây dựng vào Luật Xây dựng
Chính trị - Ngày đăng : 11:29, 24/05/2014
Trước khi thảo luận trực tiếp, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).
Về quy hoạch xây dựng, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật là kế thừa các quy định của Luật Xây dựng hiện hành nhằm tránh khoảng trống pháp luật trong quản lý. Quy hoạch xây dựng tạo tiền đề cho việc thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động xây dựng. Trước mắt, việc quy định về quy hoạch xây dựng vùng, khu chức năng đặc thù và nông thôn trong dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) là cần thiết; nội dung quy hoạch đô thị được thực hiện theo quy định của Luật quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, trong tương lai, cần nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về quy hoạch để điều chỉnh tổng thể các loại quy hoạch khác nhau.
Về dự án đầu tư xây dựng, Ủy ban TVQH nhận thấy, đây là nội dung rất quan trọng đối với dự án đầu tư xây dựng; là cơ sở để triển khai các bước thiết kế xây dựng tiếp theo, xác định tổng mức đầu tư xây dựng và là yếu tố quyết định tính khả thi, hiệu quả dự án ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Ủy ban TVQH cho rằng các quy định về thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng trong dự thảo Luật là cần thiết.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để tránh tình trạng quá tải, làm rõ trách nhiệm và đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa một số quy định như: quy định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thẩm định dự án và thiết kế xây dựng; thời gian thẩm định; thẩm quyền thẩm định được phân loại theo tính chất, quy mô, nguồn vốn dự án và thiết kế xây dựng; quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư và trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng cho cán bộ, công chức của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.
Góp ý cho dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã được chuẩn bị khá kỹ, khắc phục được nhiều hạn chế của luật hiện hành, tiếp thu nghiêm túc và tương đối đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước.
Đi vào những vấn đề cụ thể của dự thảo luật, đa số các đại biểu tán thành việc đưa các quy định liên quan đến quy hoạch xây dựng và đầu tư xây dựng vào dự thảo Luật Xây dựng.
Đại biểu Nguyễn Xuân Trường – Hải Phòng cho rằng, việc bổ sung các quy định về quản lý quy hoạch sẽ giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục lãng phí đầu tư trong xây dựng hiện nay. Đồng thời, với các nội dung về quản lý công tác cấp phép xây dựng, Ban soạn thảo nên giữ nguyên những nội dung đã được quy định và sử dụng ổn định, hiệu quả trong 10 năm qua.
Các đại biểu Nguyễn Minh Quang – Hà Nội, Nguyễn Ngọc Bảo – Vĩnh Phúc cũng tán thành việc đưa cả nội dung đầu tư xây dựng và quy hoạch xây dựng vào luật xây dựng là cần thiết, đây là những nội dung quan trọng của luật và đảm bảo sự kế thừa và nhất quán trong hệ thống pháp luật.
Đại biểu Lê Quang Hiệp - Thanh Hóa nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Đặc biệt, ông tán thành cao với các quy định cụ thể về chứng chỉ hành nghề, năng lực của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhưng luật cần quy định rõ hơn việc sát hạch năng lực này, phân loại các hạng công trình được thực hiện phù hợp với các hạng năng lực…
Tuy nhiên, đại biểu Lê Trọng Sang – TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hoạt động đầu tư xây dựng với hoạt động xây dựng là hoàn toàn khác nhau. Luật Xây dựng sửa đổi chỉ nên điều chỉnh hoạt động xây dựng, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng. Đồng thời, đại biểu Sang cũng đề nghị không đưa nội dung quy hoạch xây dựng vào trong dự án luật xây dựng mà nên để luật quy hoạch điều chỉnh.
Chung quan điểm, các đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Hòa Bình, Ngô Văn Minh – Quảng Nam cũng ủng hộ việc không đưa nội dung quy hoạch xây dựng và đầu tư xây dựng vào Luật Xây dựng.
Theo đại biểu Hải, Luật Xây dựng hiện hành đã có nội dung về quy hoạch đô thị nhưng sau đó, Bộ Xây dựng đã tách riêng nội dung này để trình Quốc hội thông qua luật quy hoạch đô thị riêng, nay Luật Xây dựng lại đưa nội dung này vào điều chỉnh thì phải chăng Luật quy hoạch đô thị hiện hành không khả thi?
Mặt khác, việc dự thảo Luật Xây dựng chỉ giới hạn một số ít đối tượng quy hoạch xây dựng được đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật thì những đối tượng quy hoạch khác như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch đê sông phòng lũ, quy hoạch đường bộ, quy hoạch phát triển các công trình năng lượng…. sẽ thuộc sự điều chỉnh của luật nào?
Đại biểu Minh lưu ý thêm, dự luật Xây dựng chỉ nên tập trung điều chỉnh về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.
Ở một góc độ khác liên quan đến sự đồng bộ pháp luật, đại biểu Phạm Văn Cường – Lào Cai cho biết, hiện chúng ta đã thông qua luật đấu thầu và luật này điều chỉnh tất cả các nội dung liên quan đến đấu thầu nên nếu dự án luật Xây dựng lại điều chỉnh các nội dung về đấu thầu, quản lý đấu thầu là không cần thiết.
Chiều nay, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư công.