Đảo chính quân sự tại Thái Lan: châm ngòi những bất ổn mới?

Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 24/05/2014

(HNM) - Khác với khung cảnh ồn ã với những dòng người biểu tình sôi sục, thủ đô Bangkok lại khá tĩnh lặng hơn một ngày qua, sau khi Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố đảo chính quân sự giành quyền kiểm soát chính phủ từ 16h30' ngày 22-5.


Quân đội Thái Lan tăng cường an ninh tại thủ đô Bangkok sau cuộc đảo chính.


Theo quy định nghiêm ngặt của lệnh giới nghiêm, cuộc sống thường nhật của người dân Bangkok - thành phố du lịch nổi tiếng với cuộc sống về đêm - đang phần nào bị đảo lộn khi việc đi lại khó khăn hơn do các phương tiện giao thông công cộng phải ngừng hoạt động trước 21h. Nhiều cửa hàng, quán xá cũng buộc phải đóng cửa. Cuộc đảo chính không đổ máu diễn ra hai ngày sau khi quân đội Thái Lan ban bố tình trạng thiết quân luật trên phạm vi cả nước. Ngay lúc đó, đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng đây thực chất là "cuộc đảo chính một nửa". Vì thế, việc Tướng Prayuth Chan-ocha đưa ra tuyên bố kiểm soát chính phủ không khiến dư luận quá bất ngờ. Theo thông báo mới nhất, Tướng Prayuth Chan-ocha sẽ là Thủ tướng tạm quyền của Thái Lan cho tới khi tìm được người thay thế, trong khi quân đội vừa thông báo danh sách triệu tập 114 lãnh đạo và quan chức của cả hai bên ra trình diện chính quyền quân sự mới, trong đó có cả cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat.

Ngày 23-5, chính phủ quân sự Thái Lan đã bắt giữ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và các thành viên gia đình sau khi triệu tập bà cùng các bộ trưởng khác tham gia cuộc đàm phán. Một sĩ quan quân đội Thái Lan cho BBC biết thông tin trên, nhưng từ chối tiết lộ nơi bà Yingluck bị giam giữ và khẳng định quân đội trước hết cần tổ chức các vấn đề của đất nước.

Tuy nhiên, việc quân đội tiếm quyền điều hành Thái Lan đã gây ra những quan ngại sâu sắc trong dư luận quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các bên liên quan tại nước này nhanh chóng khôi phục trật tự dân sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp. Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng, chỉ đối thoại toàn diện mới góp phần mở đường cho hòa bình và thịnh vượng lâu dài tại Thái Lan. Hối thúc khôi phục chính quyền dân sự và tiến hành cuộc bầu cử sớm, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo, động thái này của quân đội Thái Lan có thể làm tổn hại quan hệ giữa hai nước. Washington đang cân nhắc lại các hỗ trợ song phương trị giá 10 triệu USD mà Mỹ dành cho Thái Lan, kể cả các hỗ trợ về quân sự trị giá 24 triệu USD. Liên minh Châu Âu cũng kêu gọi Thái Lan nhanh chóng trở lại tiến trình dân chủ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành các cuộc bầu cử trong thời gian sớm nhất.

Chưa biết cuộc đảo chính quân sự lần này sẽ đưa Thái Lan tới đâu. Thế nhưng những gì diễn ra trong lịch sử cho thấy chưa có dấu hiệu gì để khẳng định cuộc khủng hoảng trên chính trường Thái Lan đã kết thúc. Cùng với việc bản Hiến pháp năm 2007 bị hủy bỏ, cuộc đảo chính quân sự thứ 19 kể từ khi chế độ quân chủ ở đất nước Chùa Vàng chấm dứt năm 1932 đến nay đã cho thấy những bất đồng không thể dung hòa giữa các đảng phái ở nước này. Sau sự kiện tương tự lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006, Thái Lan rơi vào một vòng luẩn quẩn của biểu tình bạo lực đường phố. Đặc biệt, không thể không kể đến sự kiện quân đội năm 2010 đã từng thực hiện một cuộc trấn áp đẫm máu đối với người "áo đỏ", khiến gần 100 người chết. Do đó, dư luận vẫn quan ngại về những nguy cơ bất ổn mới có thể sẽ được châm ngòi từ cuộc chính biến lần này. Căn nguyên của bất ổn liên miên tại Thái Lan là một loạt bất đồng sâu sắc ngày càng lún sâu trong lòng dân tộc cũng như lợi ích các phe phái không được giải quyết. Những người biểu tình "áo đỏ" ủng hộ chính phủ tạm quyền vừa bị đảo chính cảnh báo rằng, đất nước hơn 65 triệu dân này có thể rơi vào một cuộc nội chiến nếu quyền lực điều hành đất nước được trao vào tay một nhà lãnh đạo không do dân bầu.

Nhiều nước còn khuyến cáo công dân của họ tránh xa các nơi tụ tập đông người tại Thái Lan để bảo đảm an ninh. Song, điều khiến nhiều chuyên gia lo ngại là cuộc đảo chính quân sự sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế lớn thứ hai ASEAN này. Một ngày sau cuộc đảo chính, thị trường chứng khoán Thái Lan đã sụt giảm hơn 2%, trong khi đồng bath mất 0,4% giá trị so với USD. Nền kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ đương đầu với khó khăn khi bị phủ bóng bởi bất ổn chính trị.

Đình Tuấn