Sức mạnh là ý chí, là tinh thần đoàn kết một lòng của nhân dân Việt Nam

Chính trị - Ngày đăng : 17:22, 23/05/2014

(HNMO) - Chia sẻ với Hànộimới bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 23-5, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định: Phát biểu của Thủ tướng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2014 đã thể hiện không chỉ quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Chính phủ, mà còn thể hiện lòng dân.


* Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (Đoàn Đồng Nai)

Ảnh: Nhật Nam


Tôi tán thành và đánh giá cao phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đã nêu tại Diễn đàn và các chủ trương, giải pháp để đối phó với hành động ngang ngược của chính quyền Trung Quốc, kể cả việc chuẩn bị thật chu đáo hồ sơ pháp lý khi đưa ra luật pháp quốc tế. Tôi tin ngay khi trở về Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng các cơ quan liên quan tính toán kỹ đường đi nước bước, chậm mà khôn ngoan, vững chắc, đấy mới là quan trọng. Thực tế, nhân dân Việt Nam vẫn luôn nhớ sự giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới trong đó có nhân dân Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng chính quyền Trung Quốc phải tôn trọng lẽ phải, tôn trọng luật pháp quốc tế chứ không thể hành động ngang ngược như thế. Nếu vi phạm chủ quyền thiêng liêng của đất nước thì tôi tin chắc, 90 triệu người dân Việt Nam sẽ đoàn kết một lòng chống lại hành động này.

Thế mạnh của chúng ta là chân lý, lẽ phải, là sự đồng tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta còn có sức mạnh là ý chí, là tinh thần đoàn kết một lòng của nhân dân Việt Nam. Chúng ta sẽ chống lại hành động vi phạm luật pháp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, bằng chính luật pháp quốc tế, mà ở đây là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.

* Đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Đoàn Hà Nội)

Cá nhân tôi rất ủng hộ và tán đồng quan điểm mà Thủ tướng đã nêu. Tôi đặc biệt nhấn mạnh phát biểu của Thủ tướng khi nói “Việt Nam luôn mong muốn hòa bình hữu nghị, luôn hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí và sử dụng mọi kênh đối thoại để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982” đã thể hiện cho tâm tư, nguyện vọng của người dân Việt Nam sử dụng mọi nỗ lực thực hiện giải pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cá nhân tôi rất tâm đắc với phát biểu của Thủ tướng nhân chuyến thăm Philippines “Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”!

Ảnh: Nhật Nam


Tôi cũng muốn nói thêm tại Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK 2014 tổ chức tại Ninh Bình với sự tham dự của hơn 1000 đại biểu Phật giáo của 95 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự hồi đầu tháng 5 vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng tôi cũng đã có Tuyên bố Ninh Bình. Trong đó, chúng tôi kêu gọi Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thông qua các hành động cụ thể, kêu gọi chư vị lãnh đạo, tăng ni phật tử Phật giáo trên thế giới, kêu gọi Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc hãy cùng nhau lên tiếng ủng hộ chính nghĩa, yêu cầu chính phủ Trung Quốc thực hiện các cam kết theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế. Yêu cầu Chính phủ Trung Quốc thực hiện trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia lân bang, trong đó có Việt Nam chúng tôi. Ngày 13-5 vừa qua Đức Pháp chủ giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Thông điệp về Biển Đông về hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thông bạch gửi phật giáo các tỉnh thành trong cả nước tổ chức lễ cầu nguyện cho hòa bình ở Biển Đông. Những hành động này của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thể hiện tinh thần yêu nước, mà còn là chính kiến để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Thông qua Báo Hànộimới, chúng tôi cũng mong muốn các tầng lớp phật tử, nhân dân thể hiện tinh thần yêu nước một cách hòa bình trong sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Hà Phong - Châu Anh