Đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến QL: Xã hội hóa để tăng hiệu quả
Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 23/05/2014
Tư nhân đầu tư, khai thác hiệu quả hơn
Cách đây vài năm, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA đã giúp Việt Nam đầu tư thí điểm 3 TDNĐB khá hoành tráng và sau đó giao cho các cơ quan nhà nước quản lý với mong muốn đây sẽ là mô hình tốt để nhân rộng. Nhưng sau một thời gian ngắn, cả 3 trạm này đã không hoạt động hiệu quả.
Đẩy mạnh xã hội hóa việc xây dựng trạm dừng nghỉ sẽ mang lại hiệu quả cao. |
Nằm trên trục QL1A mới (Km120 hướng Lạng Sơn - Hà Nội), thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, TDNĐB Song Khê được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Song từ khi đưa vào khai thác đến nay, TDNĐB này luôn trong tình trạng đìu hiu. Trạm Tân Lạc (Hòa Bình) trên QL6 có diện tích hơn 5.000m2, nhưng luôn vắng khách và bắt đầu xuống cấp. Số lượng nhân viên ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi lượng khách ra vào trung bình mỗi ngày chỉ khoảng 50-70 khách. Trạm Ninh Bình tại Km267 - QL1 qua TP Ninh Bình cũng không khá hơn.
Trong khi các TDNĐB do Nhà nước quản lý, khai thác không hiệu quả thì các trạm của tư nhân, các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách lại rất phát triển. Trên bất kỳ tuyến QL nào ở phía Nam, đặc biệt là QL1A, hành khách dễ dàng thấy hàng loạt TDNĐB của các DN vận tải Mai Linh, Phương Trang… Tại các trạm này, xe và khách ra vào nườm nượp.
Giải thích nguyên nhân 3 trạm của Nhà nước vắng khách, một số chuyên gia cho rằng: TDNĐB được xây dựng trước hết nhằm bảo đảm cho các phương tiện vận tải luôn trong tình trạng an toàn. Các trạm là địa điểm để lái xe nghỉ ngơi, kiểm tra tình trạng kỹ thuật của ô tô, cung cấp nhiên liệu... Ngoài ra, đó còn là nơi hành khách có thể thư giãn… Tuy nhiên, các trạm nói trên nằm trong khu đô thị, thị trấn, thị tứ nên việc phục vụ cho các xe đường dài không phù hợp. Bên cạnh đó, khi khảo sát các trạm này bị tách khỏi trạm xăng dầu và trùng hợp với các trạm nghỉ dịch vụ đã có gần đó nên chưa thu hút được các nhà xe. Thêm nữa, chúng ta phải có sự tuyên truyền vận động tốt, cộng với các dịch vụ ở đó phải phù hợp mới thu hút được các nhà xe.
Sẽ đẩy mạnh xã hội hóa
Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, qua thực tiễn, tư nhân đầu tư quản lý, kinh doanh các TDNĐB sẽ hiệu quả hơn Nhà nước. Bởi lẽ, ngoài thu hút vốn để đầu tư trạm, còn cần thu hút xe vào sử dụng dịch vụ của trạm, nâng cao chất lượng phục vụ tại đây. Muốn vậy, cần kêu gọi được các DN lớn chạy xe trên tuyến tham gia đầu tư TDNĐB. Vai trò của Nhà nước ở đây là xây dựng, công bố quy hoạch, ban hành quy chuẩn quốc gia, đưa ra các chính sách ưu đãi để gọi đầu tư.
Mới đây, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống các TDNĐB dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh (tổng chiều dài toàn tuyến là 3.183km, đi qua 28 tỉnh, thành phố. Điểm đầu tại Pác Bó, tỉnh Cao Bằng và điểm cuối tại Đất Mũi, tỉnh Cà Mau). Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, sẽ có 57 trạm được xây dựng mới với tổng diện tích 326ha, tổng mức đầu tư khoảng 5.790 tỷ đồng. Các khu vực có mật độ giao thông cao mà nằm xa các khu đô thị lớn sẽ được ưu tiên xây trạm trước từ nay đến năm 2020, số còn lại được tiến hành trong 10 năm tiếp đó. Trong số những TDNĐB trong quy hoạch, các trạm Sơn Tây, Xuân Mai (Hà Nội); Thạch Quảng, Bãi Trành (Thanh Hóa); Đất Mũi (Cà Mau); Buôn Ma Thuột; Đồng Xoài (Bình Phước), Túy Loan (Đà Nẵng)… sẽ có quy mô lớn nhất, với kinh phí mỗi trạm khoảng 160 tỷ đồng...
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, việc đầu tư xây dựng sẽ dựa trên nguyên tắc xã hội hóa, kêu gọi các DN góp vốn đầu tư. Vì thế, Bộ GTVT sẽ đề nghị UBND các tỉnh cho thuê đất theo mức giá đất nông nghiệp để các DN có điều kiện xây dựng. Bên cạnh đó, các DN được quyền kinh doanh thu hồi vốn đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BOO để bù đắp kinh phí bỏ ra. Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng trạm mẫu có đủ dịch vụ trong đó gồm có trạm xăng dầu, nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ cho nhà xe, đồng thời kết hợp các trạm đón, trả khách thành một tổ hợp.