Mở ra cơ hội phát triển vận tải thủy
Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 23/05/2014
Với hơn 90% tổng sản lượng hàng hóa thông qua ở khu cụm cảng số 5 (khu vực Đông Nam bộ), thành phố sẽ phát triển vận tải thủy, giúp cho các hãng tàu có thể mở các tuyến vận chuyển thẳng từ TP Hồ Chí Minh đến các thị trường lớn trên thế giới, thay vì phải trung chuyển qua một cảng trung gian ở Đông Bắc Á hoặc Đông Nam Á.
Vận tải thủy TP Hồ Chí Minh đang có cơ hội phát triển lớn. |
Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Ban quản lý đầu tư dự án (DA) nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 cho biết, dự án khơi thông luồng sông Soài Rạp đã được đầu tư gần 2.800 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA của Vương quốc Bỉ và vốn đối ứng của TP Hồ Chí Minh. Luồng sông nạo vét dài khoảng 54km với hơn 12 triệu mét khối, bắt đầu từ KCN Hiệp Phước ra cửa biển Cần Giờ. Hiện giai đoạn 2 của dự án đã đạt 99% khối lượng, sau 14 tháng thi công và dự kiến cuối tháng 5 sẽ hoàn thành 100%. Tuy chưa xong nhưng việc đón an toàn tàu 54.000 tấn đã khẳng định tiềm năng to lớn của vận tải đường thủy thành phố. "Thành phố sẽ không dừng lại ở đây, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư nhiều giai đoạn của dự án để đào sâu tới 12m rồi 15m và sâu hơn nữa nhằm đáp ứng những tàu trọng tải 70.000, 80.000 hay trên 100.000 tấn". Ông Minh nói.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, luồng sông Soài Rạp phù hợp để phát triển ngành cảng biển, bởi mặt sông rộng (có đoạn rộng hơn 3km), ít khúc cua gắt, thoải mái cho những con tàu khổng lồ có chiều dài hàng trăm mét ra vào. Trước đây, khi đi theo sông Lòng Tàu (Đồng Nai, luồng chính đi vào cụm cảng biển TP Hồ Chí Minh) để cập cảng SPCT thì chỉ thuận lợi cho các tàu trọng tải dưới 30.000 tấn hoạt động. Hiện, qua tính toán của chủ tàu NORTHERN GENIUS, khi tàu đi luồng Soài Rạp để đến cảng SPCT giảm được 2 giờ chạy, giảm một nửa chi phí nhiên liệu so với đi theo sông Lòng Tàu. Luồng Soài Rạp cũng không giới hạn về chiều dài tàu và hạn chế hàng hải vào ban đêm nên chủ tàu có thể giải phóng và xếp hàng nhanh hơn, qua đó tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian. Ước tính chủ tàu sẽ tiết kiệm chi phí hơn 500.000 USD/năm cho tàu 50.000 tấn. Theo cơ quan chức năng, đến nay đã có 5 hãng tàu thông báo với SPCT rằng họ sẽ mở các tuyến vận chuyển thẳng từ TP Hồ Chí Minh đến các thị trường lớn trên thế giới, thay vì phải trung chuyển qua một cảng trung gian ở Đông Bắc Á hoặc Đông Nam Á.
Ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, việc thông luồng Soài Rạp là nền tảng cho kế hoạch phát triển đô thị Cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) về phía nam để tiến ra Biển Đông. Bởi theo quy hoạch chung được UBND thành phố phê duyệt, khu đô thị Cảng Hiệp Phước có diện tích gần 4.000ha (trong đó diện tích sông, rạch khoảng 1.000ha), tại đây gồm có cụm cảng biển, khu đô thị và KCN. Theo định hướng, đây sẽ là khu đô thị cảng biển quốc tế quy mô lớn và đầu mối trung chuyển phục vụ không chỉ TP Hồ Chí Minh mà cả khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, Cảng Sài Gòn đã đưa Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước vào hoạt động giai đoạn 1 và khi luồng Soài Rạp thông thì càng tạo thuận lợi cho chủ trương thực hiện di dời khu cụm Cảng Nhà Rồng và Khánh Hội về Hiệp Phước.
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT, việc phát triển luồng vận tải đường thủy thành phố phù hợp với quy hoạch về chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, khi nâng cao năng lực vận tải thủy sẽ đồng bộ cùng với cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải để tiếp nhận tàu có trọng tải trên 100.000 tấn và đối với 3 cụm cảng: Vũng Tàu, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.