Ngày thứ nhất: Ra khơi
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:34, 23/05/2014
LTS: Sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) và đưa nhiều tàu quân sự hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã làm bừng lên ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong bà con ngư dân Việt Nam. Bảy ngày lênh đênh trên tàu cá, cùng tham gia đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, phóng viên Báo Hànộimới đã ghi lại nhật ký hải trình. Qua đó, có thể thấy rõ quyết tâm bám biển, bảo vệ vững chắc ngư trường truyền thống của bà con ngư dân. Cùng với các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư… họ chính là những cột mốc sống giữa trùng khơi, khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày thứ nhất: Ra khơi
Rạng sáng 12-5, khi cả thành phố Đà Nẵng vẫn còn say giấc nồng, chúng tôi đã có mặt ở cảng cá để cùng tham gia đoàn tàu gồm 30 chiếc của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam ra khơi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Công tác chuẩn bị đã được bà con hoàn thành từ trước đó, nước ngọt, dầu máy, lương thực, thực phẩm cũng đã sẵn sàng cho một chuyến đi dài...
3h sáng, tại cảng cá Thọ Quang, đội tàu 30 chiếc với hơn 300 ngư dân đã sẵn sàng. Không gian phảng phất mùi hương trầm gió biển đưa lại. Ai cũng cầu mong cho một chuyến đi "thuận buồm, xuôi gió".
Đội tàu cá rời bến ra khơi. |
May mắn có mặt trên tàu cá Đà Nẵng mang số hiệu DNa 90508, công suất 615 mã lực, tôi thầm cảm ơn thuyền trưởng Nguyễn Đình Sinh. Cái gật đầu của anh kèm theo câu nói: "Khổ lắm đấy! Làm ngư dân thực thụ nhé!" đã cho tôi một cơ hội mà không phải ai cũng có được.
Đêm trước khi lên đường, thấm mệt sau hai ngày di chuyển liên tục cùng đoàn công tác của Báo Hànộimới vào Đà Nẵng nhưng tôi không tài nào ngủ được. Đến được thành phố biển này lúc 16h chiều 11-5, anh em "tả xung hữu đột" hết sức khẩn trương để có thông tin nhanh nhất về tòa soạn, tới khuya mới xong. Được ăn tối lúc đã 22h khi gần hết quán ăn ở Đà Nẵng bắt đầu thu dọn để đóng cửa. Là em út trong đoàn, được mọi người cụng ly động viên, khích lệ, tự hào cũng có nhưng mới thấy trách nhiệm mình nặng nề. Tự hào khi mình lần đầu tiên trong đời được đặt chân đến Hoàng Sa - vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, tự hào là một trong những phóng viên đầu tiên tiếp cận sát "điểm nóng", nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981, để tận mắt chứng kiến và ghi lại những hành động gây hấn của tàu Trung Quốc. Nhưng lo lắng cũng nhiều. Liệu sức khỏe có đủ bảo đảm để bám biển cùng ngư dân, rồi đến yếu tố thông tin liên lạc, làm sao truyền tin bài về đất liền nhanh nhất... Tất cả những ý nghĩ đó cứ quẩn quanh trong đầu, tôi chỉ mong sao trời sáng thật nhanh.
Tôi bước lên tàu, là "thuyền viên" thứ 11 của DNa 90508. Hơn 4h sáng, đội tàu nhổ neo ra khơi. 30 tàu cá của Quảng Nam và Đà Nẵng đồng loạt rời bến, tăng tốc đạt 5 hải lý/giờ (1 hải lý tương đương 1,8km), tựa như hàng chục mũi tên đang hướng ra biển. Trên cabin, thuyền trưởng Nguyễn Đình Sinh giới thiệu: "DNa 90508 được đưa vào sử dụng cuối năm 2012, là niềm tự hào của người dân Thanh Khê chúng tôi, có thể đương đầu với sóng gió cấp 11-12, vươn tới khơi xa để đánh bắt cá ngừ đại dương". Hôm ấy, biển dậy sóng bạc. Vượt qua cửa vịnh, những cột sóng cao 1,5 - 2m liên tục xô tới mạn khiến tàu chao nghiêng. Anh Sinh bảo, thời tiết thay đổi khá lạ vì thời điểm này hằng năm chưa phải mùa biển động. Đứng bên cạnh anh, vịn chắc vào thành ghế lái, tôi thầm cầu mong sự bình yên cho chuyến ra khơi này.
Đội tàu Quảng Nam và Đà Nẵng rời bến ra khơi. |
Vẫn tiếp mạch câu chuyện, anh Sinh kể về quyết định thành lập đội tàu này của bà con ngư dân. Trước đó, khi truyền hình phát đi những hình ảnh tàu kiểm ngư, cảnh sát biển của Việt Nam mình bị tàu ngư chính, hải cảnh Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng để bảo vệ giàn khoan hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bà con ngư dân hết sức phẫn nộ. Rồi mấy bữa, coi trên mạng internet, đài báo thấy người dân trong Nam, ngoài Bắc và cả ở nước ngoài nữa xuống đường phản đối, chúng tôi cũng bàn nhau phải biểu thị, phải góp sức mình để giữ ngư trường truyền thống này. Đội tàu cá nhanh chóng được thành lập, tổ chức và làm sẵn băng rôn phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển nước ta. Mọi sự chuẩn bị đều diễn ra hết sức khẩn trương, nhanh chóng. "Ai cũng quyết tâm cho ngày ra khơi để góp sức mình bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc". - Anh Sinh nhấn mạnh.
Chạy được gần 2 tiếng, khi đất liền đã xa tít tầm mắt, ánh mặt trời đã ló rạng, căn chỉnh tọa độ, định vị bánh lái cố định để tàu chạy tự động, anh Sinh kêu tôi xuống ăn cơm. DNa 90508 có 10 thành viên, tất cả đều sống ở phường Thanh Khê, Đà Nẵng. Lớn tuổi nhất là anh Trần Văn Mỹ, Nguyễn Văn Hai, 48 tuổi, trẻ nhất là "anh nuôi" Trần Văn Quang, sinh năm 1978. Nói là trẻ chứ thực ra Quang đã có thâm niên hơn 20 năm đi biển. Hầu hết mọi người trên tàu cũng 30 năm gắn bó với nghề cá, "đọc" rõ ngư trường rộng lớn ở Biển Đông.
Bữa sáng được dọn ngay đuôi tàu. Cơm được xới vào 3 thau nhựa lớn, cùng với đó là âu canh rau muống, cá xốt, 3 cốc rượu và rổ ớt chỉ thiên.
- Uống đi, một chén trên biển bằng 3 chén trên đất liền đó - "anh nuôi" Quang chìa cốc rượu cho tôi - Là ngư phủ phải biết uống rượu và ăn ớt đấy nhé.
Sóng biển cấp 4-5, ngồi ăn ở mạn cuối nên tàu lắc mạnh, trồi sụp liên tục. Ít ngủ mấy đêm nên có cảm giác say sóng nhẹ, đầu váng vất.
- Nước da chú là hợp với nghề đi biển này rồi - Anh Trần Văn Lời, sinh năm 1972, thuyền viên trên tàu châm chọc - Vấn đề là sóng gió thế nào, nhưng yên tâm, cũng chỉ vài bữa là quen thôi.
Rồi anh tâm sự về nghề đi biển. Anh kể, mình không học cao được, hết lớp 8 đã theo cha ra biển. Đại dương bao la vậy nhưng luôn chở che ngư dân mình. Nhờ nghề câu cá ngừ đại dương mà cuộc sống gia đình anh Lời luôn ổn định. Cơn bão Xangsane hồi năm 2006 gây thiệt hại lớn cho bà con ngư dân Đà Nẵng, nhưng đến giờ, ở làng chài Thanh Khê những vết tích tàn phá đã không còn. Nhiều ngôi nhà khang trang được mọc lên. Gia đình anh Lời cũng đã xây được ngôi nhà 2 tầng chắc chắn, nuôi 3 con ăn học. Con gái lớn của anh năm nay thi đại học và yêu thích văn chương nên dự định sẽ thi vào ngành báo chí. Con trai thứ đang học lớp 10, còn cậu út thì học lớp 8. Anh bảo, giờ phải bám biển, bám "ruộng đồng" của mình để giúp đỡ con cái trưởng thành.
Cả ngày hôm đó là những tâm sự của các thuyền viên trên tàu, là cách tôi học, quen với một không gian chật hẹp trong sinh hoạt. Đất liền đã không còn nhìn thấy trong tầm mắt. Bốn bề là đại dương bao la, xanh thẫm.
Đêm xuống nhanh. Đêm đầu tiên trên biển, tôi cứ trằn trọc mãi. Phần vì sóng gió khiến tàu lắc lư, chao đảo, phần vì mùi dầu máy, tiếng ồn của động cơ khi con tàu gỗ vận hành hết tốc lực. "Anh nuôi" Quang nằm bên cạnh đã ngáy tự lúc nào. Nỗi lo chưa kịp hòa đồng cùng ngư dân khi ra khơi đã không còn nữa. Tự nhủ lòng mình phải giữ gìn sức khỏe vì ngày mai thôi, khi bình minh ló rạng giữa trùng khơi, sự khốc liệt, căng thẳng mới bắt đầu. Tôi thiếp đi lúc nào không biết...