Quốc hội tán thành thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc
Chính trị - Ngày đăng : 09:53, 22/05/2014
Quy định bắt buộc BHYT với mọi đối tượng
Trước khi đi vào thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp trước, dự thảo Luật quy định BHYT được trình Quốc hội thông qua kỳ này đã quy định BHYT là hình thức bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng.
Về đề nghị bỏ quy định về tuyến khám chữa bệnh, người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí KCB khám chữa bệnh BHYT khi đi khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế nào, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong điều kiện hiện nay, việc quy định về tuyến khám chữa bệnh đối với người tham gia BHYT là tương đối hợp lý. Việc người có thẻ BHYT có thể đi đến bất cứ bệnh viện tuyến nào để khám chữa bệnh và được quỹ BHYT chi trả toàn bộ thường chỉ áp dụng với BHYT tư nhân/thương mại, vì đó là loại mức phí phải đóng rất cao và chỉ bảo hiểm một số loại bệnh nhất định. Hiện nay, các bệnh viện ở nước ta chưa đồng đều về trình độ chuyên môn kỹ thuật y tế, nếu bỏ quy định về tuyến vào thời điểm này là chưa phù hợp.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người dân được linh hoạt trong khám chữa bệnh, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quỹ BHYT thanh toán cho cả những trường hợp tự lên khám chữa bệnh tuyến trên kể cả nội trú và ngoại trú, với mức thanh toán như nhau là 20%, 50%, 70%, đồng thời bổ sung quy định người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa khu vực hoặc bệnh viện huyện được quyền khám chữa bệnh BHYT tại phòng khám đa khoa khu vực và bệnh viện huyện trên cùng địa bàn huyện và tại trạm y tế xã nơi người đó cư trú mà không coi là trái tuyến, vượt tuyến.
Cần các chế tài đủ nghiêm với những người không tham gia BHYT
Góp ý cho dự thảo Luật BHYT đã được tiếp thu, chỉnh lý, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm – Yên Bái tán thành với quy định bảo hiểm y tế bắt buộc vì nếu không thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc, những nhóm dân có khả năng kinh tế cao, sức khỏe tốt sẽ không tham gia mua bảo hiểm, chỉ tập trunh vào những người có kinh tế và sức khỏe yếu kém mới mua nên không tạo ra được sự chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, Nhà nước nên có hình thức bảo hiểm y tế bổ sung với đối tượng có thu nhập cao, muốn lựa chọn dịch vụ chất lượng cao hơn.
Về vấn đề khám vượt tuyến, trái tuyến, theo đại biểu Nhiệm, việc được thanh toán theo các mức khác nhau tùy theo khám tại bệnh viện tuyến nào là chưa phù hợp, vì với bệnh trọng, nên tạo điều kiện cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên kịp thời. Nên tăng mức chi trả BHYT nếu khám ở tuyến trung ương là 30%, thay vì 20% như dự luật.
Tuy không ủng hộ khám trái tuyến, vượt tuyến, nhưng các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh – Đắc Nông, Nguyễn Thị Thu Hằng - Nam Định cho rằng, chúng ta không thể phủ nhận nhu cầu đúng đắn của người bệnh trong việc muốn hưởng dịch vụ y tế tin cậy. Vấn đề là chúng ta phải hạn chế quá tải phải bằng cách khắc phục các bất cập hiện nay, tạo sự tin cậy của người dân với các bệnh viện tuyến dưới, rút ngắn khoảng cách về công nghệ, chuyên môn giữa các bệnh viện ở các tuyến, tạo sự bình đẳng trong khám chữa bệnh…. Đồng thời, phải đưa ra các chế tài đủ nghiêm khắc cho người không tham gia BHYT, chấm dứt việc vi phạm y đức.
Các đại biểu Nguyễn Hữu Đức – Đồng Tháp, Nguyễn Tiến Sinh – Hòa Bình, Huỳnh Văn Tính- Tiền Giang, Tô Văn Tám – Kon Tum... cũng tán thành với quy định BHYT bắt buộc và cần có cơ chế xử lý nghiêm những người trốn tránh mua BHYT, như nếu không có thẻ BHYT, người bệnh khi đi khám chữa bệnh sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí dịch vụ, không được hưởng bất cứ sự trợ cấp về giá nào… BHYT bắt buộc khi đó sẽ không là gánh nặng, vướng mắc.
Đồng thời, dự luật cần bổ sung khái niệm khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, khám chữa bệnh ở những địa bàn giáp ranh không được coi là khám chữa bệnh trái tuyến; linh hoạt, công bằng trong mức đóng BHYT, gắn với các mức hưởng dịch vụ y tế khác nhau, tạo sự hấp dẫn cho các loại hình BHYT tự nguyện.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận Tổ về dự án luật này.