Bài 3: Không quyết liệt sẽ nhiều ẩn họa

Đời sống - Ngày đăng : 06:05, 22/05/2014

(HNM) - Theo nhận định, tình hình thời tiết, thủy văn năm nay diễn biến hết sức phức tạp, có thể xuất hiện nhiều siêu bão kèm theo mưa lớn. Trong khi đó, đã nhiều năm các tuyến đê của Hà Nội chưa có cơ hội thử thách trước những trận lũ lớn.

Đáng ngại hơn, hàng nghìn vi phạm xâm hại đê điều chưa được xử lý dứt điểm khiến người dân bất an. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội.

- Thưa ông, tình trạng vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn thành phố đã được cảnh báo từ lâu và các cuộc ra quân xử lý vẫn được tiến hành, nhưng vì sao vi phạm vẫn xảy ra?


- Lâu nay ở nhiều nơi, chính quyền địa phương vẫn có tình trạng né tránh, nể nang, xử lý vi phạm chưa kiên quyết. Chúng tôi đã có văn bản đôn đốc đề nghị kiên quyết xử lý nhưng hầu hết các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thực hiện việc ngăn chặn vi phạm và cưỡng chế chưa tốt. Một trong những điều cốt lõi của vấn đề khiến người dân biết sai mà vẫn cố tình vi phạm là do kế sinh nhai của họ đa phần trông vào các lều quán, nhà xưởng sản xuất nằm trong hành lang bảo vệ đê điều. Đụng đến miếng cơm manh áo của người dân nên nhiều cán bộ cơ sở e dè, không nỡ làm mạnh.

Qua rà soát hiện trạng công trình đê điều trước mùa lũ, Sở NN&PTNT đã xác định 4 trọng điểm cần quan tâm, cụ thể: Khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu, tương ứng vị trí K0+000 đến K2+000 đê tả Đuống (Đông Anh); khu vực đê, kè Thanh Am - Tình Quang, tương ứng K3+700 đến K5+840 đê hữu Đuống (Long Biên); công trình cống Liên Mạc, tương ứng K53+450 đê hữu Hồng (Bắc Từ Liêm); cụm công trình cống qua đê Yên Sở, tương ứng K78+150 đê hữu Hồng (Hoàng Mai).

- Như ông đề cập, thành phố đã phân định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, chế tài xử phạt khá đầy đủ nhưng vì sao chưa xử lý được cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm?

- Thực tế, số vụ vi phạm pháp luật đê điều rất nhiều. Theo tôi, đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ nếu như thiếu trách nhiệm để vi phạm phức tạp thêm.

- Vậy giải pháp ngăn chặn, xử lý, chống tái lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?


- Chúng tôi đã thống kê toàn bộ vi phạm, kể cả số vụ còn tồn đọng và số mới phát sinh. Sắp tới, chúng
tôi đề nghị Sở NN&PTNT, UBND thành phố phát động chiến dịch giải tỏa vi phạm về đê điều trên mặt đê, mái đê, cơ đê, trong phạm vi hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ. Đến thời điểm này, tất cả các quận, huyện, thị xã và sở, ngành liên quan đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống lụt, bão năm 2014. Sau khi giải tỏa xong, chính quyền cơ sở phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiên quyết bảo đảm không còn chuyện tái lấn chiếm vi phạm. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu đề xuất thành phố thực hiện giải pháp lâu dài để triệt tiêu vi phạm nhưng đáng tiếc chưa thể thực hiện được do thiếu kinh phí.

- Dư luận rất quan tâm đến hệ thống công trình phòng chống lụt, bão trên địa bàn thành phố, ông có thể cho biết thêm về chất lượng đê, kè hiện nay?

- Việc tu bổ đê điều nhằm bảo vệ an toàn cho Thủ đô không chỉ được thành phố mà Bộ NN&PTNT, Chính phủ quan tâm đầu tư. Hằng năm, ngân sách đã dành hàng trăm tỷ đồng cho việc tu bổ, duy tu, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên bảo đảm chống lũ theo mực nước thiết kế. Tuy nhiên, trên một số tuyến đê chống lũ thường xuyên vẫn còn 9 điểm xung yếu, 4 trọng điểm phòng chống lụt, bão năm 2014 và một số vị trí bị sạt lở nguy hiểm cần chủ động vật tư, phương tiện và con người ứng trực. Trên thực tế, chúng tôi đã có phương án xử lý sự cố ngay từ giờ đầu nếu thiên tai xảy ra.

- Xin cảm ơn ông!

Hữu Hoài - Hoàng Sơn