Phát huy tối đa nguồn lực kiều bào
Chính trị - Ngày đăng : 05:56, 22/05/2014
Thế nhưng, những đóng góp này chưa tương xứng với tiềm năng thực tế của NVNƠNN vì nhiều lý do khác nhau. Làm sao để huy động tối đa nguồn lực kiều bào là vấn đề được thảo luận tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNƠNN vừa kết thúc tại Hà Nội.
Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN vừa tổ chức chuyến thăm Trường Sa cho đoàn bà con kiều bào. Ảnh: Kim Dung |
Hệ thống chính sách còn nhiều rào cản
Là Nghị quyết đầu tiên của Đảng được ban hành công khai nhằm đánh giá toàn diện về tình hình NVNƠNN, Nghị quyết 36/NQ-TƯ xác định rõ công tác đối với NVNƠNN là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân. Trong 10 năm qua, công tác vận động kiều bào đã được triển khai thường xuyên với quy mô, hình thức và nội dung phong phú, tạo điều kiện hỗ trợ cho bà con ổn định về địa vị pháp lý ở nước ngoài… Nghị quyết đã được Quốc hội thể chế hóa trong nhiều văn bản pháp luật liên quan, được Chính phủ và các bộ, ngành cụ thể hóa bằng việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới những văn bản pháp quy quan trọng liên quan đến NVNƠNN như: Luật Quốc tịch, các chính sách về đất đai, nhà ở, cư trú, xuất nhập cảnh, đầu tư, doanh nghiệp… theo hướng ngày càng thuận lợi cho kiều bào.
Thế nhưng, công tác này cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục để đáp ứng tốt hơn yêu cầu và nhiệm vụ mới. Dẫn số liệu tại Báo cáo tổng kết, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN Nguyễn Thanh Sơn cho biết, hiện có gần 400 nghìn chuyên gia, trí thức kiều bào, chiếm khoảng 10% đến 15% trong tổng số 4,5 triệu NVNƠNN có trình độ đại học trở lên. Song bình quân trong 10 năm qua mỗi năm chỉ có khoảng 300 lượt trí thức kiều bào về nước làm việc, tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu, giảng dạy trong nước… Lý giải về thực trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, chúng ta chưa thu hút được trí thức kiều bào vì một loạt hạn chế như thiếu đầu mối chỉ đạo, đầu mối thông tin, các chương trình, dự án hợp tác, kinh phí… Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN đã xây dựng đề án về chính sách thu hút trí thức kiều bào để các bộ, ngành đóng góp ý kiến nhưng 3 năm nay vẫn "nằm trên giấy". Đây là điểm rất yếu trong xử lý cơ chế trao đổi văn bản pháp luật, thủ tục hành chính của chúng ta. Bên cạnh đó, bản thân những trí thức kiều bào còn quá bận rộn với công việc của họ ở các quốc gia sở tại. Những người có trình độ, năng lực thì đều có công việc rất tốt. Một lý do nữa là giữa trí thức trong và ngoài nước chưa có sự thống nhất.
Kể từ khi thi hành Luật Đầu tư năm 2005, đến nay đã có 225 dự án của NVNƠNN đầu tư về nước với số vốn đăng ký đạt 1 tỷ 58 triệu USD. Do Luật Đầu tư đã thống nhất giữa Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước nên các quy định ưu đãi đối với nhà đầu tư là NVNƠNN bị thu hẹp rất nhiều. Nhiều NVNƠNN nhưng mang quốc tịch nước khác muốn đầu tư về nước vẫn bị xem như nhà đầu tư nước ngoài, không được hưởng ưu đãi gì so với nhà đầu tư trong nước. Điều này dẫn đến việc NVNƠNN phải nhờ người thân trong nước để đầu tư, dẫn đến tình trạng tranh chấp về vốn, tài sản… Do không có những ưu đãi so với doanh nghiệp trong nước, nhiều nhà đầu tư NVNƠNN không được hỗ trợ vay vốn của Chính phủ. Việc giao đất và giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp còn nhiều thủ tục rườm rà, mất thời gian, đặc biệt tại nhiều địa phương chưa nắm được đầy đủ các chính sách liên quan đến NVNƠNN.
Mới đây, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tư pháp gia hạn thời gian để Việt kiều đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thêm 5 năm nữa, đến ngày 1-7-2019. Song, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ nên xem xét việc gia hạn thời gian dài hơn hoặc bỏ hoàn toàn thời hạn đăng ký quốc tịch.
Tạo điều kiện hơn nữa cho bà con kiều bào
Với hơn 20 tham luận phát biểu trực tiếp, nhiều đại biểu tham dự hội nghị mong muốn Đảng và Nhà nước xem xét các chính sách và cơ chế nhằm tạo thuận lợi hơn nữa để NVNƠNN đóng góp cho đất nước như: Đầu tư, xuất nhập cảnh, mua nhà ở, đất ở, đặc biệt vấn đề kéo dài thời gian giữ quốc tịch… Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành kiến nghị: "Chính phủ nên đưa nội dung trao đổi văn hóa (dạy và học tiếng Việt) vào trong nội dung đàm phán cấp Chính phủ hai nước thông qua việc mở trường lớp, trao đổi giáo viên… phục vụ việc dạy và học tiếng Việt cho con em Việt kiều và những người Thái Lan có nhu cầu học tiếng Việt…".
Khẳng định NVNƠNN là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, Chính phủ cần có những cơ chế chính sách phù hợp hơn nữa để khuyến khích bà con hướng về quê hương, đất nước, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó là cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi hơn cho bà con về nước đầu tư, kinh doanh và định cư; tạo thuận lợi và khuyến khích kiều bào đóng góp cho đất nước trong phạm vi của mình; hoàn thiện các chế độ chính sách đãi ngộ đối với kiều bào có công với nước…
Thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế đối với công tác NVNƠNN, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: "Mục tiêu cao nhất của công tác về NVNƠNN là xây dựng một cộng đồng đoàn kết, hội nhập thành công, giữ gìn truyền thống dân tộc, hướng về quê hương, góp phần tích cực làm cầu nối cho quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với tất cả các nước. Nghị quyết 36/NQ-TƯ không chỉ định hướng cho việc triển khai công tác đối với NVNƠNN mà còn giúp cho kiều bào cũng như thân nhân xóa đi mặc cảm quá khứ, hướng về quê hương, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc".
Ông Dương Chí Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp: "Về mặt tư cách pháp lý, quốc tịch của một con người không thể trong một giai đoạn và nếu không đăng ký thì bị mất quốc tịch. Tôi nghĩ không chỉ gia hạn 5 năm mà có thể là 5 năm nữa bởi vì còn nhiều bà con ở xa xôi hẻo lánh. Mặc dù họ biết chính sách của Nhà nước nhưng họ không có điều kiện để đăng ký". Ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Fransisco (Mỹ): "Việc vận động tuyên truyền đối với NVNƠNN, đặc biệt tại vùng California, nơi có tỷ lệ kiều bào sinh sống tương đối nhiều, gặp khó khăn nếu không có những quy định rõ ràng về hành lang pháp lý khi đăng ký quốc tịch hay sở hữu nhà ở tại Việt Nam"… |