Trách nhiệm truyền thông, trách nhiệm doanh nhân

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:52, 22/05/2014

(HNM) - Mấy ngày qua,

(HNM) - Mấy ngày qua, "nhiệt độ" của giá vàng liên tục "nóng lạnh" bất thường. Cần nhìn nhận sự bất thường của giá vàng những ngày qua như thế nào? Phải chăng đã có những nhà đầu cơ đang đẩy giá để trục lợi? Có hay không những thế lực ngầm đang đứng sau chuyện "làm giá" gây nhiễu loạn thị trường? Hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra đối với các cơ quan quản lý và có thể khẳng định rằng: Hiệu ứng tiêu cực từ những thị trường được xem là nhạy cảm như vàng, ngoại tệ, chứng khoán... không chỉ gây hậu quả xấu đối với nền kinh tế, mà còn tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Giá vàng đang bị "đẩy". Hoàn toàn có thể khẳng định như vậy nếu nhìn vào những cơn ấm lạnh trên thị trường những ngày vừa qua. Lãnh đạo một số cơ quan trực thuộc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận: Giá vàng trong nước đang có xu hướng tăng nhanh so với giá vàng trên thị trường quốc tế, nguyên nhân chủ yếu do yếu tố tâm lý và đầu cơ, làm giá... Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng cảnh báo người dân cần thận trọng khi quyết định các giao dịch mua, bán ngoại tệ, vàng, tiền gửi... tránh những thiệt hại kinh tế không đáng có cho bản thân và xã hội. Tuy nhiên, để ổn định những thị trường được xem là nhạy cảm này thì những khuyến cáo như vậy chưa đủ. Ngân hàng Nhà nước cần có những giải pháp phù hợp can thiệp vào thị trường, tránh để lây lan hiệu ứng xấu.

Với giới kinh doanh vàng, thường khi bán ra một lượng thì họ phải mua vào một lượng để cân đối. Bán ra mà không mua lại được, kể như là lỗ. Trong khi đó, nguồn vàng không thể mua vào, giới kinh doanh đã "chơi bài" đẩy khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và bán trong ngày để trục lợi... Cách này không mới và có lẽ chỉ là phần nổi của "tảng băng" vốn bị chi phối bởi nhiều "thế lực". Tuy nhiên, vấn đề không dừng lại ở đó.

Tại sao nhiều người dân lại găm giữ, mua vàng trong bối cảnh hiện nay? Điều này có nguyên nhân từ những thông tin thiếu trách nhiệm của giới truyền thông (đặc biệt là một số báo mạng) liên quan đến tình hình bất ổn tại Biển Đông. Đây là căn nguyên tạo ra những bất ổn tâm lý trong xã hội dẫn đến tình trạng số đông người dân găm giữ, tích trữ vàng theo lối tư duy "tích cốc phòng cơ" (tư duy của người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng từ nhiều thế kỷ trước) không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại, thậm chí sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Do vậy, giới truyền thông cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm (trách nhiệm báo chí, trách nhiệm công dân) trong thông tin sự kiện, đặc biệt đối với việc ổn định tâm lý của người dân trong bối cảnh hiện nay.

Một vấn đề rất đáng nói là trách nhiệm công dân, trách nhiệm đối với đất nước của mỗi doanh nhân, doanh nghiệp. Kinh doanh không thể không tính chuyện lãi lời, nhưng trục lợi trên tâm lý bất ổn của một bộ phận đồng bào mình, không phải là cách làm ăn của một doanh nhân chân chính. Kiếm lợi cho mình bất chấp việc tạo ra sự nhiễu loạn trên thị trường, gây hệ lụy cho cộng đồng và nền kinh tế là không thể chấp nhận xét trên quan niệm đạo đức kinh doanh. Ở một khía cạnh, có thể xem đó là những hành vi bất chính, hành động phá hoại. Một xã hội ổn định chính là nền tảng để doanh nhân tổ chức kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Giới doanh nghiệp hiểu hơn ai hết lợi nhuận của họ gắn bó mật thiết với sự ổn định đó. Do vậy, bảo vệ và gìn giữ sự ổn định của nền kinh tế và toàn xã hội là trách nhiệm của mỗi doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Biển Đông đang "nổi sóng", để xảy ra những cơn "sóng ngầm" trên thị trường, dù bất kỳ là thị trường nào (vàng, ngoại tệ, chứng khoán...) đều có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế và sự ổn định của toàn xã hội. Những hành động "gây nhiễu" đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc cần nghiêm trị thích đáng.

Thế Phương