Bản hùng ca trong thời kỳ đổi mới (tiếp theo)

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:09, 21/05/2014

(HNM) - Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện của các tỉnh miền Bắc từ năm 2005 tăng trưởng rất cao; thời điểm cao nhất, miền Bắc sẽ thiếu khoảng 600MW.


Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện của các tỉnh miền Bắc từ năm 2005 tăng trưởng rất cao; thời điểm cao nhất, miền Bắc sẽ thiếu khoảng 600MW. Việc gấp rút xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 500kV mạch 2 là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ mà người đứng đầu lúc bấy giờ là Thủ tướng Phan Văn Khải, bởi không chỉ khắc phục tình trạng thiếu điện cho miền Bắc mà còn tăng cường độ an toàn và tin cậy của hệ thống điện quốc gia.

Với chiều dài 1.596,3km, đường dây 500kV mạch 2 kéo dài từ Pleiku tới Thường Tín, đi qua 15 tỉnh với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Khác với hệ thống đường dây 500kV mạch 1 trước đây được triển khai là 1 dự án, nhưng ở đường dây 500kV mạch 2 được chia thành 4 dự án độc lập: Pleiku - Phú Lâm, Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Hà Tĩnh và Hà Tĩnh - Nho Quan - Thường Tín, đóng điện vận hành với những thời điểm khác nhau để nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả trong khai thác vận hành và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Do cần đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt về cung cấp vật tư và chỉ định nhà thầu xây lắp. Chủ đầu tư và các đơn vị thi công được thực hiện theo cơ chế đặc biệt, thiết kế đến đâu, trình duyệt thi công đến đó. Cơ chế này thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên, đây cũng là khó khăn đối với các đơn vị tư vấn và thi công phải tính toán kỹ để tránh sai sót về kỹ thuật sẽ khó sửa chữa lại gây tốn kém về kinh phí và thời gian. Nếu như xây dựng đường dây 500kV mạch 1 có chuyên gia nước ngoài thực hiện khâu tư vấn thiết kế, giám sát kỹ thuật, trực tiếp nghiệm thu thì ở mạch 2, Chính phủ yêu cầu các đơn vị trong nước tự giám sát, nghiệm thu và đóng điện vận hành. Nếu như ở mạch 1, 80% cột điện có thiết kế phức tạp, toàn bộ cột đỡ và cột vượt đều do nước ngoài thiết kế, chế tạo và cung cấp, dây dẫn, dây chống sét cũng được nhà sản xuất ở nước ngoài thì ở mạch 2 toàn bộ phần này các doanh nghiệp trong nước phải tự thiết kế, gia công.

Mặc dù đã có kinh nghiệm từ xây dựng đường dây 500kV mạch 1 nhưng ở vào mỗi giai đoạn đều có những khó khăn riêng. Ở vào thời điểm xây dựng đường dây mạch 1, chỉ có 4 công ty xây lắp làm trụ cột, nhưng lúc bấy giờ không có nhiều đường dây cấp điện áp 110kV, 220kV phải xây dựng, đến khi xây dựng mạch 2 cũng vẫn chỉ có 4 đơn vị xây lắp, nhưng cùng thời gian đó, các đơn vị xây lắp phải dàn quân thi công hàng trăm công trình lưới điện 110kV và 220kV khắp cả nước. Hầu hết các đơn vị bị "sa lầy" ở đường dây 220kV Phả Lại - Quảng Ninh, Ninh Bình - Thanh Hóa… mà nguyên nhân đều là khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Tiến độ thi công đường dây 500kV Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm không tiến triển do không giải phóng mặt bằng được ở TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, các nhà thầu khí và cung cấp điện Phú Mỹ 2-2, Phú Mỹ 3 đòi phạt 15 triệu USD/tháng nếu công trình chậm tiến độ. Cũng vào thời điểm đó, hàng loạt công trình lưới điện ở miền Nam đòi hỏi phải cải tạo lưới điện để đáp ứng những đoạn "thắt cổ chai" do có khu vực tăng trưởng phụ tải lên tới 40%, như đường dây 220kV Thủ Đức - Hóc Môn, Tân Định - Trảng Bàng, Cai Lậy - Vĩnh Long, Cà Mau - Ô Môn…

Đường dây 500kV mạch 1 được xây dựng khi chưa có Luật Đất đai, lại được Chính phủ chỉ đạo trực tiếp nên các tỉnh, các bộ đồng bộ vào cuộc. Mạch 2 triển khai trong điều kiện Luật Đất đai bắt đầu có hiệu lực, do đó không thể dùng biện pháp hành chính để giải phóng mặt bằng như mạch 1. Lãnh đạo EVN nhận thức hết các khó khăn và lần lượt tháo gỡ. Việc đầu tiên là tranh thủ sự đồng lòng ủng hộ của lãnh đạo và nhân dân các tỉnh có đường dây đi qua, bằng cách làm việc trực tiếp với lãnh đạo 15 tỉnh và đi đến thống nhất: Cho phép kiểm đếm tài sản hoa màu cho dân và tạm ứng cho dân 70% giá trị khi chưa có quyết định thu hồi đất; cho phép sử dụng đường liên thôn, liên xã, hư hỏng đến đâu đền bù đến đó. EVN cũng tổ chức cho cả 4 công ty tư vấn điện vào cuộc đồng bộ, khảo sát khoan lấy mẫu, thiết kế, cung cấp bản vẽ thi công kịp thời.

So với mạch 1 có lợi thế đã "chiếm" chỗ từ 10 năm nay, mạch 2 phải vào sâu hơn. Để kiểm soát tốt hơn chất lượng công trình, EVN đã giao cho 4 công ty truyền tải điện sẽ tiếp nhận vận hành sau khi công trình hoàn thành. Những người vận hành được giao giám sát kỹ thuật thi công, họ xác định là làm cho mình, cho công tác vận hành của chính họ, nên các công đoạn đào, đúc, trộn bê tông, buộc cốt thép, chất lượng vật liệu… đều được anh em giám sát chặt chẽ.

Có thể nói, công trình đường dây 500kV mạch 2 về đích sớm với chất lượng cao là kết quả từ sự nỗ lực vượt bậc của các đơn vị tham gia dự án, trong đó phải kể đến công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo của EVN và cơ chế mềm dẻo của Chính phủ. Đường dây 500kV mạch 2 thực sự là một cơ hội thử thách tài năng, trí tuệ của những người thợ điện Việt Nam. "Trục xương sống" thứ hai trong hệ thống điện Việt Nam ra đời không chỉ có ý nghĩa kinh tế xã hội to lớn, khẳng định "thương hiệu Việt" trong xây dựng công trình điện, mà phần hiệu quả to lớn hơn nhiều, khó quy đổi ra tiền bạc đó là những kinh nghiệm, những bài học đã được áp dụng cho các công trình phát triển của Điện lực Việt Nam. Với đường dây 500kV mạch 2, hệ thống truyền tải điện Việt Nam có 2 trục đường dây 500kV Bắc - Nam đã khẳng định những hiệu quả mà hệ thống truyền tải điện 500kV mang lại và cổ vũ chúng ta trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khẳng định tài năng, trí tuệ và bản lĩnh

Được khởi công vào tháng 10-2011, với việc phải xây dựng mới đường dây 500kV mạch kép, phân pha 4 dây/1 mạch dài 437,514km từ trạm biến áp 500kV Pleiku đến trạm biến áp 500kV Cầu Bông; mở rộng diện tích tại các trạm biến áp 500kV Pleiku và 500kV Cầu Bông, lắp thiết bị các ngăn xuất tuyến 500kV tại mỗi trạm; xây dựng mới 2 trạm lặp quang đồng bộ với tuyến cáp quang trên đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và 1.092m đường dây 22kV, 2 trạm biến áp công suất 22/0,4kV-50kVA cấp điện cho 2 trạm lặp quang Buôn Đôn và Bù Đăng… khối lượng công việc nhiều như vậy, nhưng tiến độ đề ra chỉ gói gọn trong 875 ngày (tương đương khoảng 2 năm rưỡi) để khắc phục tình trạng thiếu điện vào mùa khô 2014 ở miền Nam.

Thời gian thi công công trình là 2 năm rưỡi, nhưng cả 2 mùa xuân cán bộ, công nhân của các đơn vị thi công và Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (đơn vị đại diện chủ đầu tư) đón giao thừa ngay trên công trình. Song với họ điều đó dường như không quan trọng, bởi trong mỗi người đều mang một trọng trách nặng nề và vinh quang. Ngày đêm họ miệt mài chung sức xây dựng đường dây 500kV mạch 3 để cứu cho vùng kinh tế trọng điểm của cả nước khỏi cơn thiếu điện. Năng lượng sẽ được đưa từ miền Bắc và miền Trung Tây Nguyên vào miền Nam như cách đây 20 năm khi xây dựng mạch 1. Để bảo đảm tiến độ, đối với các vị trí cột chưa dựng xong ở phần xà trên thì các đơn vị thi công néo tạm tại thân cột để đồng thời tiến hành rải dây đợi khi nào xong phần xà thì kéo dây lên. Phương pháp thi công này đã rút ngắn được rất nhiều thời gian thi công nhưng để thực hiện được phải bố trí mặt bằng thật khoa học.

Có thể khẳng định rằng, nếu không có sức trẻ, sức khỏe và lòng nhiệt tình, thì những người thợ xây dựng điện, những cán bộ quản lý mà chúng tôi đã gặp trên khắp các cung đoạn thi công đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông khó có thể vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên. Những buổi trưa hè nắng oi bức, gió thổi ù tai trên cột điện cao chót vót, rồi những tháng mưa ở Tây Nguyên, ở miền Đông Nam bộ, mồ hôi lẫn nước ngấm vào bùn đất trong hố sâu của những móng cột… Tất cả những gian lao, vất vả ấy đã được những người thợ đón nhận và vượt qua.

Ngày 5-5-2014, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành an toàn đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông. Việc đóng điện và đưa vào vận hành công trình trọng điểm cấp bách đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đúng tiến độ có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm truyền tải điện an toàn, ổn định từ miền Bắc vào miền Nam, kịp thời cung ứng đủ điện cho sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của toàn miền Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng ngay trong mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo.

Cùng với đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, việc đưa vào vận hành kịp thời đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông góp phần tạo tiền đề liên kết lưới điện khu vực Đông - Tây Nam bộ, bảo đảm vận hành hệ thống điện an toàn trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng - miền trên cả nước. Kết quả đạt được nêu trên thể hiện sự quyết tâm cao độ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia. Đặc biệt là sự quản lý điều hành quyết liệt, hiệu quả của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung trong suốt quá trình triển khai dự án; sự nỗ lực và tinh thần hăng say thi đua lao động, ngày đêm bám trụ công trường của các đơn vị thi công dự án; sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các đơn vị tham gia dự án; sự chia sẻ và ủng hộ của địa phương trong suốt quá trình triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hơn nữa là sự đồng thuận, chia sẻ của nhân dân với dự án trọng điểm cấp bách.

Thanh Mai