Lao động cưỡng bức tạo ra 150 tỷ USD lợi nhuận hàng năm trên thế giới
Đời sống - Ngày đăng : 14:09, 20/05/2014
Báo cáo của ILO với tựa đề Lợi nhuận và Nghèo đói: Kinh tế học về Lao động Cưỡng bức, đã chỉ ra rằng 2/3 trong tổng lợi nhuận 150 tỷ USD là từ bóc lột tình dục vì mục đích thương mại, trong khi phần còn lại đến từ hình thức bóc lột lao động về kinh tế, bao gồm giúp việc gia đình, các hoạt động liên quan đến nông nghiệp và các hoạt động kinh tế khác.
“Lao động cưỡng bức gây ảnh hưởng xấu tới kinh doanh và phát triển và đặc biệt tới những nạn nhân. Báo cáo mới của chúng tôi cho thấy nhiệm vụ cấp bách là phải thúc đẩy những nỗ lực nhằm xóa bỏ vấn nạn tạo ra mức lợi nhuận khổng lồ này càng sớm càng tốt,” Tổng Giám đốc ILO, Guy Ryder, nhấn mạnh.
Những ước tính mới này dựa vào dữ liệu ILO đã công bố trong năm 2012 ước tính số nạn nhân của lao động cưỡng bức, buôn bán người và nô lệ thời hiện đại ở mức 21 triệu.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm tỉ lệ lớn nhất (56% trong tổng số lao động cưỡng bức trên toàn cầu). Tuy nhiên, lợi nhuận hàng năm thu về từ mỗi nạn nhân tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (5.000 USD/người/năm) thấp thứ hai trên thế giới. Người ta kiếm được nhiều tiền nhất từ mỗi nạn nhân ở các nền kinh tế phát triển (35.000 USD/người/năm) và ít nhất ở châu Phi (3.900 USD/người/năm).
Số liệu của ILO cho thấy hơn một nửa trên tổng số lao động cưỡng bức toàn cầu là phụ nữ và các bé gái, chủ yếu trong hoạt động bóc lột tình dục với mục đích thương mại và giúp việc gia đình, trong khi nam giới và các bé trai thường bị bóc lột lao động về kinh tế trong nông nghiệp, xây dựng và khai thác mỏ.
Lợi nhuận thu về từ mỗi nạn nhân lớn nhất ở hình thức bóc lột tình dục (21.800 USD/người/năm). Điều này có thể được lý giải do nhu cầu đối với những loại hình dịch vụ kiểu này, số tiền khách hàng sẵn sàng trả, và do vốn đầu tư thấp cũng như chi phí hoạt động thấp của hoạt động này.
Theo báo cáo, những biến cố về thu nhập và đói nghèo là những yếu tố kinh tế chính khiến người lao động trở thành nạn nhân của lao động cưỡng bức. Những nguyên nhân khác liên quan đến sự thiếu hiểu biết, nạn mù chữ, giới tính và di cư.
“Nếu chúng ta muốn tạo nên sự thay đổi đáng kể đối với cuộc sống của 21 triệu nam giới, nữ giới và trẻ em là nạn nhân của lao động cưỡng bức, chúng ta cần có những hành động cụ thể và ngay lập tức,” Tổng Giám đốc ILO khẳng định.
“Điều đó nghĩa là các chính phủ cần củng cố luật pháp, chính sách và thi hành pháp luật; người sử dụng lao động cần quan tâm đúng mức để đấu tranh chống lại lao động cưỡng bức, bao gồm từ chuỗi cung ứng; và các tổ chức công đoàn cần đại diện và trao quyền cho những người lao động có nguy cơ trở thành nạn nhân của lao động cưỡng bức.”
ILO cũng đồng thời khuyến nghị các biện pháp khác, bao gồm:
· Thúc đẩy sàn an sinh xã hội để bảo vệ các hộ gia đình nghèo khi gặp phải những cú sốc đột ngột về thu nhập.
· Đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ năng để tăng cơ hội việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương.
· Thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên quyền đối với vấn đề di cư để phòng ngừa tình trạng bóc lột người lao động di cư.
· Hỗ trợ các tổ chức của người lao động, nhất là trong những ngành nghề có khả năng xuất hiện lao động cưỡng bức.
Theo ILO, lao động cưỡng bức là tất cả các công việc hoặc dịch vụ mà một người bị ép buộc phải làm dưới sự đe dọa bằng bất kỳ hình phạt nào và là các công việc hoặc dịch vụ mà người đó không tự nguyện làm.
Trong khi xu hướng di cư lao động quốc tế đang tăng lên tại Việt Nam, những người lao động thiếu hiểu biết đầy đủ về di cư an toàn có nguy cơ trở nạn nhân của lao động cưỡng bức. Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, mỗi năm họ nhận được khoảng 300 đơn thư, bao gồm những khiếu nại, từ lao động di cư. Hầu hết các đơn khiếu nại có nội dung về chi phí cao (khiến người lao động có thể bị lệ thuộc vì nợ), trừ lương một cách vô lý, làm những công việc khác với những gì đã được các doanh nghiệp tuyển dụng thông báo trước khi đi. |