Tâm huyết và chất lượng
Chính trị - Ngày đăng : 05:56, 20/05/2014
Nhiều bất cập, ảnh hưởng đến số đông được cử tri phản ánh kèm theo giải pháp khắc phục cụ thể. Đó là thông tin tổng hợp 2.216 kiến nghị của cử tri cả nước do Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổng hợp trước kỳ họp.
Thẳng thắn, tâm huyết
Trong số các kiến nghị, có những vấn đề đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa giải quyết thấu đáo nên cử tri kiến nghị tiếp. Hoặc có những vấn đề giải quyết tốt ở nơi này nhưng lại chưa giải quyết tốt ở nơi khác, bộ này giải quyết thỏa đáng song bộ kia lại chưa nên cử tri còn kiến nghị. Điều đó chứng tỏ người dân đặc biệt quan tâm, theo dõi sát sao tình hình thời sự của địa phương, đất nước. Đặc biệt, tại Hà Nội, qua 31 cuộc tiếp xúc cử tri, có tới 301 lượt cử tri phát biểu về các vấn đề dân sinh bức xúc. Lấy ví dụ, để giải quyết tình trạng thiếu trường học, cơ sở y tế chật hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, cử tri Hà Nội cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành cần tính toán lại gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có thể phân bổ một phần nguồn kinh phí này cho các dự án của ngành y tế, giáo dục. Bởi hiện nay, quá trình triển khai gói tín dụng này không như mong đợi, chỉ gói gọn cho những đối tượng thu nhập thấp vay, trong khi số lượng căn hộ dành cho người thu nhập thấp chưa nhiều, phần lớn vẫn đang trong giai đoạn khởi động và thường mất ít nhất một vài năm, đồng nghĩa tiến độ giải ngân rất nhỏ giọt.
Một số vấn đề khác cũng được phản ánh đậm nét, đó là hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH đều cố gắng điều chỉnh quy trình giám sát, thu BHXH ở các tỉnh, thành phố. Đây là việc làm cần thiết để bảo đảm cuộc sống ổn định của người lao động. Song tình trạng nợ đọng BHXH ở nhiều đơn vị, đặc biệt là các công ty có yếu tố nước ngoài vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân.
Trong lĩnh vực xây dựng, cử tri bức xúc nhất là tình trạng quy hoạch "treo", quy hoạch thiếu tầm nhìn xa. Trong đầu tư xây dựng cơ bản là thất thoát, lãng phí, tiêu cực; trong giáo dục là vấn đề chất lượng dạy, chất lượng học sinh, rồi tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn tràn lan. Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế gần đây nổi lên vấn đề thanh toán khống tiền bảo hiểm y tế, tình trạng phân biệt đối xử giữa đối tượng khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế và khám dịch vụ. Về lĩnh vực giao thông, việc tổ chức thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy không khả thi, do nhiều người không tự giác nộp, mất nhiều thời gian, chi phí cho người thu. Nhiều cử tri cũng cho rằng, việc không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hiện nay đang tạo kẽ hở cho các đối tượng tội phạm lách luật…
Chủ quyền đất nước - vấn đề thiêng liêng
Đáng lưu ý, tập trung và khá đa dạng, chất lượng trong 2.216 ý kiến của cử tri cả nước là về vấn đề Biển Đông. Ý kiến nhân dân, dù ở góc độ chung của toàn xã hội hay những vấn đề thiết thực ở từng địa phương, đều thể hiện rõ sự nghiêm túc, thẳng thắn và tinh thần trách nhiệm cao trước chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Đa phần các phát biểu đều cho rằng, tình hình ở Biển Đông đang diễn ra hết sức phức tạp. Một bộ phận người dân thể hiện lòng yêu nước một cách tự phát, dẫn đến nhiều thế lực thù địch lợi dụng để gây rối, phá hoại tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Từ thực tế đáng lo ngại này, cử tri Hà Nội đề nghị Chính phủ thông tin tuyên truyền kịp thời, rõ ràng về các vấn đề liên quan đến biển đảo để người dân thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Cử tri cũng cho rằng, quá trình điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn như các vụ án liên quan đến nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập ACB Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như… đã lâu, nhưng việc xét xử chậm, có lúc hoãn lại làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trong công tác phòng chống tham nhũng. Thực trạng này đòi hỏi thời gian tới Nhà nước phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa, nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác phòng, chống và xét xử các vụ án tham nhũng.
Các kiến nghị của cử tri cho thấy, có sự chênh lệch giữa mong muốn của cử tri với những việc đã triển khai của các cơ quan chức năng. Với những vấn đề chưa giải quyết dứt điểm, thấu đáo, cần làm nhanh hơn, quyết liệt hơn. Để khắc phục tình trạng có việc đề cập đã lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để hoặc chậm, nên chăng Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ QH làm việc trước với các bộ trưởng và yêu cầu trả lời công khai đã giải quyết những kiến nghị của cử tri đến đâu? Chỗ nào chưa làm được? Vì sao chưa làm được? Giải pháp cụ thể thế nào? Thực hiện trong thời gian bao lâu? Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu các đơn vị liên quan cùng phối hợp giải quyết, gỡ khó... Bởi thực tế cho thấy rất nhiều vấn đề cử tri đặt ra, cần có sự vào cuộc, góp sức của nhiều bộ, ngành mới hy vọng giải quyết dứt điểm, thấu đáo, đáp ứng nguyện vọng của người dân.