Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII: Những điểm nhấn quan trọng
Chính trị - Ngày đăng : 06:11, 19/05/2014
Cử tri cả nước đang chờ đợi và tin tưởng vào những quyết sách của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, những vấn đề "nóng" trong thời gian gần đây cũng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự. Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến về những vấn đề trên.
Đáp ứng nguyện vọng của cử tri
- Thưa ông, với thời gian dự kiến họp Quốc hội kéo dài hơn một tháng, "điểm nhấn" trong chương trình nghị sự của kỳ họp là gì?
- Chương trình của kỳ họp Quốc hội lần này rất nhiều, trong đó công tác xây dựng pháp luật chiếm phần lớn thời gian. Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến 17 dự án luật khác. Một số luật được nhiều cử tri quan tâm như Luật Bảo vệ môi trường vì hiện nay môi trường của ta đang "báo động", đặc biệt là xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường nước, không khí... đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung một số điều để hướng tới bảo hiểm toàn dân, tạo thuận lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế có thể khám chữa bệnh ở nhiều nơi. Quốc hội cũng thông qua các luật: Hải quan, Phá sản, Hôn nhân và gia đình, Xây dựng, Công chứng; Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giao thông đường thủy nội địa; Đầu tư công; Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
- Ông có thể cho biết những luật được Quốc hội sẽ cho ý kiến trong kỳ họp?
- Quốc hội sẽ cho ý kiến các luật về tổ chức bộ máy nhà nước phù hợp với giai đoạn mới và chuẩn bị cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, gồm các luật: Tổ chức Quốc hội sửa đổi, Tổ chức TAND sửa đổi, Tổ chức Viện KSND sửa đổi, Sĩ quan QĐND Việt Nam, Công an nhân dân...
Luật được Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp này liên quan nhiều đến cán bộ, công chức như Luật Bảo hiểm xã hội, quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động. Do Quỹ Bảo hiểm xã hội có nguy cơ thu không đủ chi nên Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi theo hướng, từ năm 2016 sẽ tăng thời gian làm việc của người lao động lên mỗi năm là 4 tháng cho đến khi tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi và nam là 62 tuổi. Ngoài ra, luật liên quan đến mọi công dân là Luật Căn cước công dân, được xây dựng để giảm bớt phiền hà cho người dân trong giao dịch, không phải mang theo nhiều loại giấy tờ.
- Quốc hội sẽ giám sát tối cao những vấn đề gì, thưa ông?
- Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Cũng như thông lệ, cử tri rất quan tâm đến việc chất vấn tại kỳ họp nhưng lần này Quốc hội yêu cầu các cơ quan báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn từ các kỳ họp trước để Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện sau chất vấn và giải quyết các kiến nghị của cử tri.
- Ở kỳ họp này, cử tri cả nước gửi gắm niềm tin và kỳ vọng rất nhiều vào các vị đại biểu Quốc hội. Ông có thể cho biết những vấn đề mà cử tri đặc biệt quan tâm hiện nay?
- Trong quá trình tiếp xúc, tôi thấy cử tri rất quan tâm tới các vấn đề tăng trưởng kinh tế, đời sống dân sinh, phòng chống tham nhũng, trật tự an toàn xã hội, giáo dục, y tế... Đặc biệt, vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm là Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri đề nghị chỉ nên để 2 mức là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm". Thời gian lấy phiếu tín nhiệm có thể là hàng năm, cách một năm, hay nửa nhiệm kỳ, hoặc cả nhiệm kỳ. Đồng thời cũng có ý kiến cho rằng, cơ quan hành pháp là cơ quan trực tiếp xử lý những công việc hằng ngày đối với dân, làm việc theo chế độ thủ trưởng, người đứng đầu thì trách nhiệm cá nhân rõ hơn; còn cơ quan lập pháp lại hoạt động theo nguyên tắc làm việc tập thể và quyết định theo đa số nên trách nhiệm cá nhân không rõ. Vì thế nên chăng, những người thuộc các cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp lấy phiếu tín nhiệm theo phương thức khác. Việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ thực hiện với người đứng đầu các cơ quan hành pháp là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Giải quyết vấn đề "nóng"
- Bên cạnh những vấn đề về luật pháp được Quốc hội thông qua và cho ý kiến, tình hình kinh tế - xã hội được đặt ra trên bàn nghị sự như thế nào?
- Trong vấn đề kinh tế - xã hội, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012. Đại biểu Quốc hội cũng quan tâm nhiều đến các giải pháp kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, an sinh xã hội; các vấn đề về quy hoạch, kế hoạch, sử dụng đất, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Đặc biệt là tình hình nợ công, sử dụng có hiệu quả nguồn vay ở nước ngoài của Việt Nam; tháo gỡ khó khăn, cải thiện tình trạng tiếp cận vốn, tín dụng nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Về vấn đề xã hội, đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc làm cho người lao động mà nhiều doanh nghiệp đang đình đốn sản xuất, bị phá sản; vấn đề y đức, trách nhiệm của những người làm công tác y tế; hiện thực hóa Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục…
- Gần đây, hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng đã đề xuất các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Vậy việc thực thi các giải pháp đã đưa ra sẽ làm "nóng" nghị trường trong kỳ họp?
- Chắc chắn sau hội nghị Trung ương, hội nghị toàn quốc chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, các vị đại biểu Quốc hội sẽ quan tâm nhiều đến vấn đề về việc thực hiện phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, các giải pháp cũng sẽ được bàn tới như: Có những chính sách pháp luật để cán bộ, công chức không thể tham nhũng; biện pháp răn đe đủ mạnh để không dám tham nhũng và có các chế độ chính sách bảo đảm để người ta không cần tham nhũng. Tôi tin trong kỳ họp này, đại biểu Quốc hội sẽ phát biểu nhiều về những vấn đề trên. Việc đưa ra xét xử một số vụ "đại án" vừa qua, đặc biệt thông tin ở phía Nhật Bản về một số cán bộ ngành đường sắt nhận hối lộ cũng làm "nóng" nghị trường.
- Vai trò của các vị đại biểu Quốc hội trong việc giải quyết các vấn đề nêu trên như thế nào, thưa ông?
- Theo tôi, các đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu kỹ các văn bản, xem xét thấu đáo các vấn đề mà mình sẽ quyết định hoặc cho ý kiến tại kỳ họp. Vai trò của đại biểu Quốc hội được thể hiện trong các quyết sách lớn về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát tối cao, an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo và trong việc chất vấn những vấn đề "nóng", hiệu quả, thiết thực.
- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!