Lớp lớp hùng binh ra khơi
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:41, 18/05/2014
Binh phu Hoàng Sa đầu tiên
Trong cái nắng rát, chúng tôi tìm đến thôn Tây, xã An Vĩnh, để gặp ông Võ Văn Út, hậu duệ của Hội nghĩa hầu Võ Văn Khiết, người đầu tiên được triều đình giao tuyển chọn binh phu và trực tiếp đi Hoàng Sa. Trời nóng, tay cầm cái quạt phe phẩy, ông Út từ từ kể ngọn ngành câu chuyện về cụ Võ Văn Khiết. Theo tư liệu còn lại của dòng họ Võ Văn ở An Vĩnh, vào thời vua Thái Đức Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn, chính xác là năm 1786, vua Thái Đức đã cử Võ Văn Khiết đi tuyển chọn binh phu cho đội hùng binh Hoàng Sa. "Cụ Khiết được coi là binh phu đầu tiên đi Hoàng Sa là vì lẽ đó" - ông Út khẳng định. Từ đó, hằng năm việc sung binh cho đội quân Hoàng Sa do người họ Võ Văn chịu trách nhiệm. Sau này, ông được triều đình phong tước là Hội nghĩa hầu.
Khi Gia Long lên ngôi, năm 1800, vua Gia Long đã giao cho cụ Võ Văn Phú con của cụ Khiết - tiếp tục kế thừa công việc đi Hoàng Sa của người làng An Vĩnh. Lúc bấy giờ, cụ Phú được phong tước là Khâm sai thiết thủ Sa Kỳ hải môn kiêm chi Hoàng Sa các đội Cai cơ thủ ngự phú nhuận hầu. "Chi tiết này có trong Đại Nam thực lục", ông Út nói, "nhưng tôi không nhớ rõ là quyển nào".
Năm 1812, dòng họ Võ Văn thống nhất với nhau làm đơn xin tách làng từ làng An Vĩnh ở Tịnh Kỳ bây giờ (thuộc TP Quảng Ngãi), gần cảng Sa Kỳ ngày nay, thành làng An Vĩnh ở ngoài đảo Lý Sơn. Nghĩa là làng An Vĩnh ở Lý Sơn bây giờ trước khi tách riêng trực thuộc làng An Vĩnh ở trong đất liền. Những người khai cơ ra sinh sống ở Lý Sơn đã lấy tên làng cũ đặt cho nơi ở mới. Trong đất liền có 3 làng An Vĩnh, An Hải, An Kỳ. Trong đơn xin tách làng ra ngoài Lý Sơn, làng An Vĩnh chịu trách nhiệm tuyển binh và trực tiếp phụ trách đội quân Hoàng Sa kiêm đội quân Bắc Hải và được miễn đi làm phu dịch như làm đường, làm mương... cho triều đình.
Người Lý Sơn bây giờ vẫn truyền tụng câu ca: "Hoàng Sa trời nước mênh mông,/ Người đi thì có mà không thấy về. / Hoàng Sa mây nước bốn bề, / Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa".
Từ xưa cho đến nay, năm nào, người họ Võ cũng làm Lễ khao lề thế lính vào tháng hai âm lịch. Trong khi đó, Lễ khao lề thế lính ở đình làng An Vĩnh lại diễn ra vào tháng ba âm lịch hằng năm. Ông Út lý giải, thời kỳ cụ Khiết đi Hoàng Sa, có người đi rồi mất luôn, cũng có người đi trở về được nên mới có câu ca đó. Đến năm 1812, khi được phép tách làng An Vĩnh ra thì đình làng mới được xây. Từ đó, Lễ khao lề thế lính mới đưa về đình. Trên thực tế, các dòng tộc làm lễ trước rồi đình làng làm lễ sau. Ông Út chắc chắn: "Đó là lý do tại sao trong câu ca, Lễ khao lề thế lính là tháng hai nhưng Lễ khao lề thế lính ở đình làng lại diễn ra vào tháng ba âm lịch".
Sau này, lớp lớp con cháu của họ Võ đi Hoàng Sa rất đông. Đến năm 1836, quan Án sát và quan Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi giao trách nhiệm cho cụ Võ Văn Hùng đi chọn binh phu để ra Hoàng Sa, trong đó cũng có cụ Võ Văn Công tham gia. "Cụ Hùng đi Hoàng Sa sau thời của các cụ Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, là hậu duệ của hai tiên hiền họ Phạm và cùng tiên hiền của họ Võ Văn lập làng An Vĩnh từ những ngày khai cơ", ông Út cho biết.
Bà con ngư dân huyện đảo Lý Sơn sẵn sàng ra khơi. |
Người cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa
Câu chuyện của ông Võ Văn Út kể về những "Hùng binh Hoàng Sa" trong dòng họ Võ đã khiến tôi nhớ lại lần trò chuyện trước đây với ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ của cụ Phạm Hữu Nhật, người đầu tiên cắm mốc chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Lần đó, khi nói chuyện với nhà báo từ Hà Nội vào tìm hiểu về tổ tiên của mình, ông Tuyền đã kể chi tiết về cụ Phạm Hữu Nhật. Có đoạn ông còn lấy sách ra đọc rõ ràng.
Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua chỉ thị cho Bộ Công chuẩn bị việc phái người ra dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa. Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165 chép rằng, từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tấu vua hàng năm cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng phê trong bản tấu của Bộ Công rằng: Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, dày một tấc làm cột mốc… Phạm Hữu Nhật được chọn phụng mệnh vua đi khẳng định chủ quyền trên quần đảo Cát Vàng. Cụ Nhật mang theo 10 bài gỗ làm dấu mốc, trên mặt bài khắc chữ: "Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh ra Hoàng Sa, xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ…".
Ngày nay, trong câu chuyện của dòng họ Phạm (Văn) ở làng An Vĩnh kể lại cho con cháu thì đó là một cuộc ra khơi hùng tráng. Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật đã dẫn đầu 5-6 chiếc thuyền ra Biển Đông. Mỗi thuyền chở khoảng 10 người với 10 tấm bài gỗ và mang theo lương thực đủ ăn 6 tháng, đi suốt ba ngày ba đêm thì tới bãi Cát Vàng, quần đảo Hoàng Sa bây giờ. Cập đảo, họ cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở đó và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật, rồi mới về tấu trình hoàn thành nhiệm vụ.
Con cháu dòng họ Phạm (Văn) không biết rõ cụ Phạm Hữu Nhật đã đi Hoàng Sa bao nhiêu chuyến. Nhưng lần cuối cùng vào năm 1854, cụ đi mãi không về, nên người trong họ đã ngậm ngùi an táng ông bằng nấm mộ chiêu hồn với hình nhân thế mạng mà không có hài cốt thật. Tên Hữu Nhật được đặt cho một hòn đảo ở nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra vào tháng hai âm lịch hằng năm, con cháu dòng họ Phạm (Văn) luôn nhớ đặt linh vị: "Phục vì vong Cao bình Quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị" ở vị trí trang trọng.
Trước khi Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền, người dân Lý Sơn và sử sách còn ghi nhớ chuyện cai đội Phạm Quang Ảnh cùng bảy mươi suất lính và năm chiến thuyền được lệnh làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển và đo đạc thủy trình, tìm kiếm, khai thác những sản vật quý để cung tiến triều đình. Sách Đại Nam thực lục (Chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 50) chép: "Tháng giêng năm Ất Hợi (tức năm 1815), sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình". Trong một lần ra khơi, cai đội Phạm Quang Ảnh đã mất tích. Phạm Quang Ảnh được phong làm Thượng đẳng thần và được nhân dân An Vĩnh thờ cúng như Thành hoàng. Tên của cụ được đặt cho một hòn đảo trong nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Người dân ở An Vĩnh, Lý Sơn đã thờ Hội nghĩa hầu Võ Văn Khiết, cai đội Phạm Quang Ảnh như là Thành hoàng. Những câu chuyện về các tiền nhân như Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật... là những bằng chứng xác thực và hùng hồn khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thay lời kết
Không biết từ bao giờ người dân Lý Sơn đã có tục làm mộ gió để thờ phụng những người đi biển không về. Trên đảo, dòng họ nào cũng có khu mộ gió. Riêng khu mộ gió thờ lính Hoàng Sa của dòng họ Võ Văn đã có hơn 40 ngôi. Mộ gió ở Lý Sơn là mộ chiêu hồn có chôn hình nhân để thay xác người thật. Khi làm hình nhân, người Lý Sơn lấy đất ở núi Giếng Tiền về nhào trộn với bông gòn và cây thầu đâu để nặn thành. Họ lấy cây dâu mồ côi (đứng một mình) để làm xương, trứng gà sống để thay tim, lấy chỉ để thay ruột. Rồi thầy phù thủy bắt một con gà sống bịt mắt lại cho con gà mổ vào khu đất nào thì lấy đất đó hòa với nước để quét bên ngoài hình nhân thay cho da. May quần áo bình thường để mặc. Họ kẻ vẽ mắt, râu, tóc, lông mày, lông mi sao cho giống mặt người đã chết.
Người Lý Sơn cho rằng, dù chết ở Hoàng Sa mất xác thì hình nhân sẽ thay thế xác thật để linh hồn còn về với tổ tiên, cội nguồn, con cháu, họ tộc, làng xóm và quê hương đặng phù hộ cho "dân an, vật thạnh". Giờ đây, xen lẫn với những ruộng tỏi, ruộng hành, ruộng lạc, ruộng ngô và nhà ở là những ngôi mộ, trong đó có không biết bao nhiêu là mộ gió.
Nhưng người Lý Sơn không vì đó mà e sợ đi biển. Ngày nào đảo Lý Sơn cũng đón những người con của mình cùng những chiếc thuyền về bến và tiễn những người con khác hướng tàu ra khơi.