Nhà chùa nhận con nuôi: Không có cơ sở pháp lý
Xã hội - Ngày đăng : 06:06, 17/05/2014
Sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề chăm sóc các cháu bị bỏ rơi tại chùa. Ảnh: Quốc Khánh |
Trái luật
Cục Nuôi con nuôi - Bộ Tư pháp cũng xác nhận, việc nhà chùa tiếp nhận, nuôi dưỡng trẻ em đang có chiều hướng gia tăng. Một số địa phương đã tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi cho những trường hợp này, trong đó Hà Nội có 11 trường hợp, các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng, Thừa Thiên Huế lần lượt là 31, 22, 15 trường hợp. Trên thực tế, phần lớn trẻ em được các chùa nuôi đều thuộc diện bị bỏ rơi, cha mẹ đẻ không đủ điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng hoặc là con ngoài giá thú. Việc các nhà chùa, sư trụ trì tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi, cơ nhỡ, không có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ đẻ không có khả năng nuôi dưỡng là việc làm nhân đạo, góp phần nâng đỡ những trẻ em kém may mắn trong cuộc sống, song đối chiếu với các quy định pháp lý hiện hành, việc làm này lại không phù hợp. Theo Nghị định số 68/2008/NĐ-CP và Nghị định số 81/2012/NĐ-CP quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; nhà chùa hoặc sư trụ trì chỉ có thể tiếp nhận trẻ em vào chăm sóc nuôi dưỡng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập của một cơ sở bảo trợ xã hội. Mặt khác, theo Điều 2, Luật Nuôi con nuôi, mục đích của việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Do đó, việc nhà chùa, sư trụ trì nhận trẻ em sống trong chùa làm con nuôi là chưa bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em, không duy trì môi trường sống thích hợp cho trẻ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có tới 1.133 trẻ em hiện được nuôi dưỡng trong các nhà chùa và cơ sở tôn giáo. Đến nay có 32/63 tỉnh, thành phố vẫn tạo điều kiện cần thiết để cơ sở tôn giáo được đăng ký nuôi con nuôi, gây nhiều cách hiểu khác nhau trong dư luận. Với trường hợp nhà chùa nuôi con nuôi vì mục đích nhân đạo, hầu hết không đáp ứng đủ điều kiện và thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội nhưng không hiểu vì lý do gì chính quyền địa phương vẫn tạo điều kiện cho hoạt động là câu hỏi được đặt ra.
Theo quan điểm của Cục Nuôi con nuôi, pháp luật chỉ cho phép đăng ký nuôi con nuôi giữa cá nhân với cá nhân. Vì vậy, việc nhà chùa (dưới danh nghĩa tổ chức) đứng tên nhận trẻ em đang được nuôi dưỡng trong nhà chùa làm con nuôi là không phù hợp. Cá nhân các sư trụ trì chùa đã xuất gia nương nhờ cửa Phật để tu hành nên không hướng tới việc tạo lập mái ấm gia đình cho trẻ em. |
Phải giải quyết dứt điểm
Dưới góc độ quản lý, Cục Nuôi con nuôi cũng khẳng định, đây là việc làm không phù hợp. Việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em lâu dài sẽ có vấn đề vì dù nhà chùa hoặc các sư trụ trì không ép buộc trẻ em theo đạo giáo của mình nhưng việc sống tại chùa lâu dài ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Với trách nhiệm của mình, Cục Nuôi con nuôi đã tham mưu Bộ Tư pháp có văn bản yêu cầu các địa phương dừng ngay việc cho đăng ký nuôi con nuôi khi nhà chùa có yêu cầu. Song vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp này đang có nguy cơ khó được giải quyết dứt điểm. Không phải sư trụ trì nào cũng đồng tình với việc giao lại trẻ em vào cơ sở bảo trợ xã hội thuộc ngành LĐ-TB&XH để các cháu được hưởng chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng của Nhà nước, được sống trong gia đình thay thế phù hợp. Không phải địa phương nào cũng tuân thủ triệt để quy định của Luật Nuôi con nuôi và các hướng dẫn liên quan.
Thực tế trên đòi hỏi cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền các tỉnh, thành phố, người dân và các sư trụ trì chùa trong công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em. Lực lượng nòng cốt là Sở Tư pháp phải chịu trách nhiệm hướng dẫn cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi trên địa bàn cấp xã, phường nhằm bảo đảm tương lai của các em. Cũng cần phải xác định rằng, việc đăng ký khai sinh đối với trẻ em bị bỏ rơi không thuộc bổn phận, nghĩa vụ của sư trụ trì hay của nhà chùa mà trách nhiệm và thẩm quyền này thuộc về cán bộ tư pháp - hộ tịch xã. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cần tăng cường công tác kiểm tra việc tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em, đặc biệt đối với trẻ em thuộc diện bị bỏ rơi tại các nhà chùa nhằm bảo đảm việc nuôi dưỡng đúng quy định pháp luật và tránh những hiểu lầm đáng tiếc.