Thiếu nước sinh hoạt ngày nắng nóng: Lặp lại “bài ca” cũ
Xã hội - Ngày đăng : 06:37, 16/05/2014
Người dân chia nhau nước giếng khoan
Ông Ngô Cường Dũng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 7, phường Định Công, quận Hoàng Mai (gồm các ngõ 295-303-307 phố Bùi Xương Trạch) phản ánh, suốt một tuần nay, từ khi bắt đầu đợt nắng nóng, hơn 150 hộ dân của Tổ 7 bị mất nước, người dân phải sử dụng nước hết sức dè sẻn. Nhà nào có bể ngầm thì mở nắp, dùng xô múc chứ không dám sử dụng máy bơm, nhưng đến ngày hôm qua (15-5), hầu hết các bể ngầm đã cạn kiệt. Tổ 6 phường Định Công cũng trong tình trạng tương tự. Một số hộ dân sử dụng lại nước giếng khoan có từ trước khi lắp đặt hệ thống cấp nước và chia sẻ cho các hộ xung quanh, nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu rất nhỏ. Ông Dũng cho biết: "Nhiều hộ dân đã bức xúc nhiều lần gọi điện đến đơn vị cung cấp nước, Công ty CP VIWACO, nhưng không thấy cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra. Trong khi qua điện thoại, họ nói việc cấp nước vẫn bình thường"...
Ghi nhận của phóng viên trong những ngày nắng nóng qua, tình trạng thiếu nước cục bộ đã xảy ra tại khu vực phố Thụy Khuê, đường Bưởi (quận Ba Đình), khu vực ngoài đê phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), khu vực Trương Định, Thanh Trì (quận Hoàng Mai), một số điểm tại quận Cầu Giấy… Công ty NSHN lý giải, đây là những điểm cuối nguồn hoặc có cốt nền cao nên khi nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến, áp lực suy giảm nước không chảy được đến những điểm này. Mặc dù trước khi bước vào mùa hè, Công ty NSHN đã yêu cầu các xí nghiệp, nhà máy trực thuộc bảo dưỡng toàn bộ thiết bị, thổi rửa giếng, bể để bảo đảm vận hành tốt nhất trong mùa hè; trong quý I và II năm 2014, tổng nguồn nước cung cấp cho thành phố tăng thêm 34.500m3/ngày đêm sau khi công ty hoàn thành các dự án nâng cấp các trạm nước nhỏ (trạm Yên Viên công suất 7.500m3/ngày đêm, trạm Ngọc Thụy 3.500m3/ngày đêm, trạm Thụy Khuê bổ sung thêm 2.500m3/ngày đêm). Riêng chống thất thu, thất thoát và sử dụng nước tiết kiệm cũng giúp bổ sung cho nguồn 13.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, tổng lượng nước thiếu hụt trong những ngày nắng nóng kéo dài lên tới 40.000 đến 60.000m3/ngày đêm, do số giếng nước ngầm tiếp tục suy thoái từ 4 đến 6% mỗi năm, cần phải đầu tư khoan thay thế. Trong khi quỹ đất hạn hẹp, việc tìm được điểm khoan giếng thay thế vô cùng khó khăn.
Doanh nghiệp vẫn… kêu gọi tiết kiệm
Công ty NSHN cho biết, trước khi bước vào những ngày nắng nóng, công ty đã dự báo những khu vực thiếu nước để lên phương án cụ thể như phân khu cấp nước, tăng áp suất, cấp nước bằng xe stec… Tuy nhiên, do thiếu hụt về nguồn nên một giải pháp quan trọng nữa là kêu gọi người dân sử dụng nước tiết kiệm. Đối với một số điểm mất nước như khu vực từ ngõ 378 đến 530 phố Thụy Khuê do cốt địa hình cao, ngoài giải pháp phân khu cấp nước, công ty cũng đẩy nhanh tiến độ nâng công suất trạm Thụy Khuê. Khu vực phường Chương Dương, Phúc Tân cùng với việc đưa nước từ Nhà máy Gia Lâm sang qua cầu Chương Dương, trạm Đồn Thủy cũng được nâng công suất từ 8.000m3 lên 9.500m3/ngày đêm. Khu vực Đê La Thành (Đống Đa), duy trì áp lực nước sông Đà cấp qua nút BigC. Khu vực ngoài đê Nguyễn Khoái (Hai Bà Trưng) do cốt địa hình cao, sẽ phục hồi giếng và nâng công suất trạm Vân Đồn để bảo đảm cấp cho khu vực.
Khu vực Trần Thánh Tông, Hàn Thuyên, Lê Văn Hưu do cuối mạng cũ, sẽ vận hành mạng để cấp tăng cường khi có nhu cầu. Tại Hoàng Mai, sẽ bổ sung giếng cho nhà máy Nam Dư, Pháp Vân để phát huy tối đa năng lực cấp nước, kết hợp vận hành trạm bơm tăng áp Đông Mỹ…
Đối với khu vực do Công ty cổ phần VIWACO cung cấp dịch vụ (các quận Thanh Xuân, một phần Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Trì, Từ Liêm) với khoảng 70.000 khách hàng sử dụng nguồn nước sông Đà, còn có nỗi lo "thường trực" vỡ đường ống truyền dẫn từ nhà máy về Hà Nội. Theo Tổng Công ty cổ phần Vinaconex, trong khi chưa xác định được nguyên nhân để có giải pháp khắc phục thì vỡ đường ống vẫn được coi là sự cố bất khả kháng. Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (VIWASUPCO) cùng các đơn vị thành viên của Vinaconex đã thành lập các đội phản ứng nhanh, sẵn sàng xử lý sự cố vỡ đường ống. Thời gian khắc phục cũng được rút ngắn từ 72 giờ lần vỡ đầu tiên xuống 11giờ trong lần vỡ thứ 5 và thứ 6. "Về kế hoạch cấp nước hè, tổng công suất cấp nước duy trì khoảng 223.000m3/ngày đêm, trong đó VIWACO 151.000m3, Công ty NSHN 44.500m3, Công ty Nước sạch Hà Đông 19.000m3… Đơn vị vận hành cố gắng bảo đảm chất lượng, tăng cường tuần tra, chuẩn bị đủ phương tiện xử lý nhanh nhất sự cố hoặc các điểm xung yếu khi phát hiện". Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc VIWASUPCO nói.
Theo ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Sở đã chỉ đạo Công ty NSHN, Công ty cổ phần VIWACO và Công ty Nước sạch Hà Đông chủ động xây dựng phương án vận hành mạng, chuẩn bị cơ số xe stec hỗ trợ cấp nước cho các khu vực thiếu nước, đặc biệt ưu tiên cho trường học, bệnh viện. Tổ chức trực tiếp nhận thông tin 24/24h giải quyết sự cố cấp nước.
Thiếu những dự án đầu tư căn cơ Theo các chuyên gia, các giải pháp của Sở Xây dựng, Công ty Nước sạch chỉ mang tính tình thế. Sở dĩ, điệp khúc cứ đến mùa nóng nhiều nơi lại thiếu nước sinh hoạt là do Hà Nội thiếu những dự án đầu tư căn cơ, phát triển đồng bộ mạng lưới cũng như nguồn cấp nước. Về phần mạng cấp, mặc dù có nhiều cố gắng song cũng chỉ có thể cải tạo lần lượt từng khu vực, đồng thời với việc phải bảo đảm tỷ lệ phát triển khách hàng mới. Tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch vẫn trên 20% do mạng cấp nước cũ nát. Về phần nguồn cấp, Công ty Nước sạch thừa nhận, trong điều kiện thời tiết bình thường có thể đáp ứng 100% nhu cầu khu vực nội thành và chỉ thiếu khi trời nắng nóng nhưng nếu không có những dự án đầu tư phát triển phần nguồn lớn e rằng sau năm 2015 tình trạng thiếu nước sẽ rất nghiêm trọng. Công ty này cũng đang đề xuất thành phố cho đầu tư khai thác 30.000m3 nước mặt/ngày đêm để khôi phục công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư hai nhà máy nước mặt sông Đuống và sông Hồng, đưa vào vận hành sau năm 2015. |