Việc không chỉ của người dân

Kinh tế - Ngày đăng : 06:03, 16/05/2014

(HNM) - Một trong những yếu tố khiến người nông dân (ND) luôn chịu thiệt thòi trong chuỗi sản xuất là ở thế bị động, thiếu hiểu biết dẫn tới bị ép giá hoặc lợi nhuận mất nhiều qua các khâu trung gian. Để khắc phục những hạn chế trên, Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội đã xây dựng chương trình

Xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn vốn nổi tiếng với vùng rau hữu cơ. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua ND trong xã đã thoát nghèo từ mô hình này. Chủ tịch HND xã Thanh Xuân Hoàng Thị Hậu cho biết, trước kia, khi bà con mới tiếp cận mô hình đã gặp không ít khó khăn, chi phí đầu tư và công sản xuất rất lớn trong khi người tiêu dùng chưa mặn mà với mặt hàng này. Nhằm khắc phục những hạn chế đó, HND TP Hà Nội cùng UBND huyện Sóc Sơn đã hỗ trợ HND xã Thanh Xuân xây dựng nhãn hiệu tập thể "Rau hữu cơ Sóc Sơn". Đến nay, đã có 10 công ty và 5 cửa hàng chính thức đang thu mua rau ở đây. Ngoài ra, một số cửa hàng bán lẻ trên thị trường Hà Nội cũng về thu mua rau tại xã Thanh Xuân.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ giúp nông sản của Hà Nội có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.Ảnh: Trung Kiên


Theo HND thành phố, Hà Nội có nhiều sản phẩm nông sản như rau, trái cây, thịt sạch,… cần được xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, nhận thức của người ND còn hạn chế, sản xuất theo tâm lý tự cung, tự cấp, thiếu tính định hướng thị trường và không quan tâm đến việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm của mình. Đặc biệt, ND chưa quen tiêu thụ sản phẩm qua các hợp đồng, hợp tác liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp.

Tại hội nghị "Vai trò nông dân trong bảo hộ nhãn hiệu nông sản" do HND TP Hà Nội vừa tổ chức, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH&CN cho biết, hiện toàn thành phố mới có 13 sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ nhãn hiệu trên tổng số 100 đặc sản truyền thống. Trong đó, mới có 2 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể do HND làm chủ sở hữu, đó là rau hữu cơ Sóc Sơn (do HND huyện Sóc Sơn là chủ sở hữu nhãn hiệu) và bưởi tôm vàng Đan Phượng (do HND xã Thượng Mỗ là chủ sở hữu nhãn hiệu). Ông Trần Văn Hải, Chủ nhiệm khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học KHXH& NV cho rằng, xu hướng chung của thị trường trong nước và quốc tế hiện nay đòi hỏi mọi sản phẩm hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ và nhãn hiệu sản phẩm phải được bảo hộ từ phía cơ quan nhà nước mới tiêu thụ được. Do đó, để sản phẩm của người ND ổn định đầu ra, tăng giá trị trên thị trường, rất cần sự chung tay của các cán bộ, hội viên ND.

Để hoàn thành tốt chương trình đề ra, HND thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách về thương mại cho các hội viên ND. Theo kế hoạch, từ năm 2014, hằng năm các cấp HND tham gia xây dựng thương hiệu từ 1 đến 2 sản phẩm nông nghiệp truyền thống; mỗi cấp hội sẽ xây dựng từ 1 đến 2 mô hình chuyên canh sản xuất hàng hóa, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo Chủ tịch HND Hà Nội Trịnh Thế Khiết, thời gian tới, HND Hà Nội tiếp tục phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tư vấn, hướng dẫn ND đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Hiện, Hà Nội có gần 1.800 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, nếu biết lựa chọn sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất và xúc tiến thương mại, ND sẽ dần chủ động trong sản xuất và tiêu thụ, vươn lên đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch HND TP Hà Nội: Để giúp ND chủ động trong sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm thông qua xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, HND đã phối hợp với các cơ quan chức năng chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho ND, tham gia xây dựng mô hình chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Đơn cử như các mô hình: Chăn nuôi lợn sạch theo hướng hữu cơ tại Ứng Hòa, Phúc Thọ; trồng rau theo quy trình IPM - GAP tại Sóc Sơn, Ba Vì, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Thanh Oai; sản xuất quả an toàn tại Long Biên, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đan Phượng… Ngoài ra, Hội còn giới thiệu với các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản trưng bày, giới thiệu sản phẩm cho ND.

Đào Huyền