Xử lý nghiêm khắc các hành vi gây rối, phá hoại

Pháp luật - Ngày đăng : 05:54, 16/05/2014

(HNM) - Những hành động lợi dụng lòng yêu nước để kích động gây rối trật tự công cộng, chiếm đoạt, hủy hoại tài sản làm phương hại đến hình ảnh đất nước, đến lợi ích dân tộc.

1. Chiều ngày 15-5, Công an tỉnh Bình Dương cho biết vừa quyết định khởi tố vụ án hình sự với các hành vi "gây rối trật tự công cộng", "chiếm đoạt tài sản", "hủy hoại tài sản" và "chống người thi hành công vụ", liên quan đến vụ lợi dụng tuần hành, kích động đập phá tài sản doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sau khi khởi tố vụ án, củng cố hồ sơ, ngành chức năng sẽ khởi tố bị can. Tính đến chiều hôm qua, Công an Bình Dương đã bắt hơn 800 đối tượng liên quan, trong đó có hơn 300 đối tượng có dấu hiệu hình sự. Với khoảng 2.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn, UBND tỉnh Bình Dương đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tập trung các lực lượng thực hiện tuyên truyền, vận động tại các khu vực tập trung đông công nhân, các khu vực nhà trọ… Đặc biệt, Bình Dương đã huy động lực lượng bảo vệ tài sản còn lại của doanh nghiệp.

Cùng ngày, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã bắt giữ hơn 300 đối tượng đập phá, trộm cắp, chống người thi hành công vụ và gây rối trong các cuộc tuần hành ở địa phương này trong những ngày gần đây. Đây là những đối tượng cầm đầu, hô hào quá khích, lôi kéo một lượng lớn công nhân tập trung tại các công ty, nhà máy ở các khu công nghiệp: Biên Hòa 2, Amata, Nhơn Trạch, Tam Phước, Sông Mây, Hố Nai 3… Họ đã chủ động đập phá, đốt và lấy tài sản của hơn 160 công ty, không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan mà còn có cả công ty Việt Nam. Điều đáng nói, trong số đối tượng trên, chỉ có một số ít là công nhân.

Ngành chức năng đang tiến hành sàng lọc, nếu đối tượng nào đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ ra quyết định khởi tố ngay. Cơ quan công an cùng Viện KSND tỉnh này đang thống kê thiệt hại cụ thể của từng doanh nghiệp làm cơ sở khởi tố vụ án. Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng đang ráo riết truy tìm những kẻ bỏ trốn, kêu gọi những ai đã lấy tài sản của các công ty thì đem trả lại để nhận được sự khoan hồng.

2. Ngày 15-5, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân làm việc với một số Tổng Lãnh sự quán và Hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài, thông tin việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 ở vùng biển thuộc lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng cho biết, bên cạnh các hoạt động mít tinh, tuần hành ôn hòa của người dân, có một số thành phần vi phạm pháp luật đã kích động công nhân đập phá máy móc, nhà xưởng và cướp tài sản của các doanh nghiệp. Ông Lê Hoàng Quân khẳng định, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn xem các nhà đầu tư nước ngoài là một thành phần kinh tế không thể tách rời. Chính phủ Việt Nam và chính quyền TP Hồ Chí Minh không chấp nhận hành vi trên và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng sai phạm, để không có tổ chức, cá nhân nào làm cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài.

Thành phố đã giao trách nhiệm cho các lực lượng ở các quận, huyện bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội; phối hợp với tổ chức công đoàn các cấp làm việc với chủ nhà trọ, hiệp hội, Ban quản lý các KCX-KCN giáo dục công nhân không được có các hành vi vi phạm pháp luật, không nghe theo sự xúi giục của các đối tượng quá khích mà vi phạm pháp luật. Đối với việc hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thành phố sẽ báo cáo Chính phủ xem xét biện pháp hỗ trợ.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, có hơn 200 chuyên gia Trung Quốc, Đài Loan đi tạm trú tại một khu du lịch. Chính quyền tỉnh đã cử lực lượng bảo vệ bảo đảm an toàn cho số người này.

Ngô Nguyên - Hà Tuấn