Những hùng binh không bao giờ khuất phục (tiếp)
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:59, 15/05/2014
Ngư dân huyện đảo Lý Sơn. |
Cùng cả nước hướng về Hoàng Sa, trong chuyến công tác tại huyện đảo Lý Sơn, nhóm phóng viên được Ban Biên tập Báo Hànộimới giao nhiệm vụ cùng lãnh đạo huyện, Nghiệp đoàn Nghề cá chọn hai hộ ngư dân dũng cảm bám biển bảo vệ ngư trường, bị Trung Quốc nhiều lần cướp phá tài sản, để trao tiền hỗ trợ từ Quỹ Trái tim nhân ái của Báo, như một sự tri ân của những người làm báo Đảng Thủ đô với những người con của "đội hùng binh Hoàng Sa" năm xưa. Hai hộ được chọn là Bùi Ngọc Thanh, chủ tàu QNg - 96679 và Dương Văn Giàu, chủ tàu QNg - 96417, mỗi hộ nhận 20 triệu đồng.
Đường đến nhà ngư dân Bùi Ngọc Thanh qua những ruộng hành tím đang mùa thu hoạch. Ông Bùi Đại, bố của Thanh đang ở nhà cùng ba cô con dâu và cháu dâu. "Đã có tin gì chưa, anh Thanh đã mượn được ICOM của tàu bạn gọi về chưa?" - chúng tôi hỏi. Đáp lại là những cái lắc đầu. Mắt những người phụ nữ hoe đỏ, ầng ậng nước. Giọng buồn rầu, ông Đại nói: "Năm nay tôi 65 tuổi, nghỉ đi biển hai năm rồi. Nhà có ba con trai và mấy đứa cháu cùng đi trên một tàu. Kể từ khi thằng Thanh điện về, nói bị tàu Trung Quốc cướp, mấy đứa con dâu chẳng mần ăn gì, suốt ngày tất tả ngược xuôi hỏi tin chồng". Ngư dân Lý Sơn bị tàu Trung Quốc, phá hoại, thu phương tiện đánh bắt, thậm chí thu tàu, bắt giam đã là chuyện "cơm bữa". Ông Đại cho biết, khi còn đi biển, ông cũng bị Trung Quốc tấn công nhiều… không đếm được. Lần cuối, tàu ông đang đánh cá ở Hoàng Sa thì gặp bão, phía Trung Quốc cho vào đảo trú. Bão tan, phía Trung Quốc cướp hết máy móc, hải sản, chỉ để lại ít lương thực và dầu cho chạy về. Đến khi các con ông Đại thay cha đi biển cũng lại bị Trung Quốc cướp và đánh đập. Chuyến gần đây nhất, khi tàu cập bến, hai người phải đưa đi viện cấp cứu vì bị chích dùi cui điện và bị đá gãy xương sườn.
Chị Trần Thị Thu Hường, vợ Bùi Ngọc Thanh, lật đật chạy đi tìm rồi đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ nợ. Hai trang kín đặc những số, một số dòng bị gạch xóa. "Sao không thấy chữ ký nhận của chồng chị và ngày tháng vay nợ?". "Ở Lý Sơn này, chữ tín là quan trọng, mặt khác, mình có "phờ" (dân ở đây thường gọi tàu đánh bắt cá xa bờ là "phờ", tức "phà") đóng từ tiền của chủ nợ, mình thành người làm thuê cho họ". - Chị Hường giải thích.
Nhẩm tính sơ sơ, tổng số nợ của chị Hường lên đến 610 triệu đồng. Một năm đi biển chừng 7 - 8 chuyến, chỉ cần một chuyến bị Trung Quốc cướp là cả năm đó phải oằn lưng mà không trả hết nợ. Vợ chồng chị Hường ở với nhau đã hơn chục năm, đi biển miết mà giờ vẫn ở trong một ngôi nhà xập xệ. Tay run run đón nhận số tiền 20 triệu đồng từ Quỹ Trái tim nhân ái, chị Hường mừng lắm, chị nói, khi chồng về sẽ gọi điện cảm ơn Ban Biên tập Báo Hànộimới, gia đình sẽ dùng số tiền này vào việc mua bộ ICOM mới, chuẩn bị cho những chuyến đi biển tiếp theo.
Đến thôn Đông, xã An Hải, vợ của Dương Văn Giàu - chủ tàu QNg - 96417 là Bùi Thị Phước Thạnh đi vắng. Phải đợi khá lâu, chị và con gái là Dương Thị Xuân Trường 9 tuổi mới về. Cháu Trường cho biết vừa cùng mẹ đi Chùa Hang để thắp hương cầu mong cho bố mau được về. Đây là lần thứ ba chồng tôi bị Trung Quốc cướp tàu. Lần thứ nhất là năm 2010, đi "phờ" chung, bị Trung Quốc bắt, nhốt một tháng, phải nộp 180 triệu đồng mới được về; lần thứ hai là năm 2013, bị "nó" lấy vòi rồng phun vỡ kính, thu hết đồ. Lần cuối là hôm vừa rồi, anh ấy có mượn ICOM của tàu bạn gọi về báo là bị cướp hết rú (hải sâm), đồn đột (đỉa biển), ốc… mất khoảng 400 triệu đồng, phải mượn đồ, xin dầu các tàu bạn, ở lại Hoàng Sa để cố gỡ lại, chứ chạy về thì nợ không biết chừng nào mới trả hết". - Tiếng chị Thạnh lẫn trong nước mắt. Gia đình chị Thạnh hiện nợ hơn 500 triệu đồng. Mấy ngày nay, cứ đón con từ trường về là mẹ con chị lại ra chùa để thắp hương cầu khấn cho chồng. Nhận 20 triệu đồng hỗ trợ của Báo Hànộimới, chị Thạnh mừng lắm và cũng như chị Hường - vợ anh Thanh, chị Thạnh nói khi chồng về sẽ gom tiền mua bộ ICOM mới để tiếp tục bám biển.
Đại diện Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới trao tặng số tiền 20 triệu đồng cho gia đình ngư dân Dương Văn Giàu. |
Từ Lý Sơn ra quần đảo Hoàng Sa mất khoảng 18 giờ. Với người đi biển, hậu phương là chỗ dựa rất quan trọng. Chính quyền địa phương và các nghiệp đoàn đánh cá đã có nhiều biện pháp để ngư dân yên tâm bám biển, giữ chủ quyền. Việc đầu tiên là giữ sợi dây liên lạc giữa đất liền với các tàu cá được thông suốt. Theo ông Nguyễn Quốc Chinh, thường thì cứ 18h - 18h30 hằng ngày, các tàu sẽ lên máy ICOM để báo cáo tình hình về Lý Sơn, trường hợp khẩn cấp thì thông qua kênh của Bộ đội biên phòng. Ít ngày qua, phía Trung Quốc phá sóng ICOM liên tục, nên sắp tới Lý Sơn sẽ nâng cấp trạm thu phát. Nếu mọi việc thuận lợi, theo ông Chinh, khả năng liên lạc với tàu thuyền Lý Sơn được phủ khắp hàng nghìn hải lý bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm ngoái Lý Sơn đã thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải và An Vĩnh. Ở An Hải có 30 tổ nghiệp đoàn, khoảng hơn 700 tổ viên, mỗi tổ gồm 3 tàu. Thành viên của nghiệp đoàn được tập huấn về luật biển, hiểu về chủ quyền, giới hạn đánh bắt khi ra vùng biển quốc tế. Từ khi có nghiệp đoàn, tàu của Lý Sơn không còn đi riêng lẻ, mà phối hợp nhóm, chia sẻ thông tin về ngư trường, nguồn lợi, bảo vệ nhau khi gặp thiên tai và nhân tai. Sự phối hợp ấy còn giúp tăng năng suất lao động bởi ngư dân không còn phải "ăn non" vì sợ tàu Trung Quốc cướp. Ông Chinh khẳng định, sự giúp đỡ kịp thời của Báo Hànộimới và các địa phương trong cả nước sẽ giúp Lý Sơn kiên tâm bám biển.
Ở Lý Sơn có nhiều mộ gió - mộ chôn hình nhân tượng trưng cho những người đi biển bị mất xác. Chúng tôi đã qua Trường THCS An Hải, thầy Phạm Văn Quang, Hiệu phó của Trường cho biết, trường có tới 20 em có bố chết ngoài biển. Vì mất lao động chính, mất trụ cột nên hầu hết gia đình đều khó khăn, nhà trường đã miễn hoàn toàn học phí cho các em. Hàng năm số tiền, quà từ các nhà tài trợ, hảo tâm quyên tặng, được trường chia đều, như năm học vừa qua, trung bình mỗi em được nhận 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, Trường còn thường xuyên cử người giúp đỡ các em học tập, thế nên không em nào học kém. Chúng tôi gặp một số học sinh, rất bất ngờ với câu trả lời của các em: "Cháu biết Hoàng Sa có đội hùng binh, khi lớn lên chúng cháu sẽ noi gương cha ông để khai thác cá".
Ở Lý Sơn, 19h hôm qua 14-5, có lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ trận vong, đồng bào lao động tử nạn tại quần đảo Hoàng Sa. Trong lời khẩn cầu hướng ra biển, chúng tôi nhận ra rằng người Lý Sơn giờ không còn sợ bão tố như trước nữa bởi họ có tàu ngày một to hơn, thiết bị thông tin liên lạc ngày một hiện đại hơn. "Cầu trời không bị Trung Quốc cướp phá", đó mới là cầu mong thường thấy của ngư dân ở đảo dù rằng nguyện mong ấy nghe có vẻ oái oăm khi họ bị cướp phá, bị đánh đập, giam giữ, đòi tiền chuộc khi đang đánh bắt cá trên chính vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc - ngư trường truyền thống của cha ông.