Trung Quốc đang bất chấp pháp luật và đạo lý
Thế giới - Ngày đăng : 05:46, 15/05/2014
Để tiếp thêm sức mạnh cho mối bang giao đang được cải thiện nhanh chóng, đầu năm 1999, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Giang Trạch Dân và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã nêu ra phương châm 16 chữ vàng như tuyên ngôn mạnh mẽ về một thời kỳ phát triển mới giữa hai nước ngay trước thềm của thế kỷ XXI. "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" đã là sợi chỉ đỏ kết nối những quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và Trung Quốc trên mọi lĩnh vực, ở mọi cấp độ. Ba năm sau đó, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2002, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Giang Trạch Dân một lần nữa đề cao tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước láng giềng với đề xuất về tinh thần "4 tốt", để Việt Nam - Trung Quốc trở thành "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Tàu của Trung Quốc lao vào mạn trái tàu của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông |
Sự kiện nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc chủ động đề nghị những định hướng, tư tưởng chủ đạo và khung tổng thể cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã gây dựng được niềm tin trong Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam về việc mở ra một giai đoạn hòa bình, hợp tác đầy hứa hẹn giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Sự tin tưởng ấy xuất phát từ hy vọng rằng những nhận thức về sự cấp thiết phải thiết lập một quan hệ song phương hữu hảo đã thúc đẩy lãnh đạo hai nước cùng bước vào một kỷ nguyên mới. Điều đó không chỉ phù hợp với xu thế hòa hoãn, liên kết mạnh mẽ và rộng khắp của thời đại mà còn là nguyện vọng thiết tha, chính đáng và nhân văn của nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Suốt hơn một thập kỷ qua, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn xem phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt là lời hứa, lời cam kết có trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc với tương lai đang rộng mở của cả hai dân tộc.
Trên tinh thần của người láng giềng, người bạn tốt, Việt Nam luôn trân trọng những nguyên tắc chủ đạo đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất trong chính sách, chủ trương và hành động. Với nghĩa tình của người đồng chí, người anh em, Việt Nam luôn vui mừng trước những thành công trong phát triển kinh tế, những thắng lợi về vị thế ngoại giao mà Trung Quốc đã đạt được trong khát vọng vươn lên thành một cường quốc mới. Việt Nam cũng coi đây như hình mẫu đáng học tập, là chiến thắng của đường lối chính trị mà hai nước cùng chung chí hướng. Những thành quả về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm qua ngày càng củng cố cho khẳng định rằng, hòa bình và hữu nghị sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả hai dân tộc. Trên địa hạt kinh tế, Trung Quốc liên tục là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam từ năm 2004 đến nay (tổng kim ngạch thương mại năm 2013 đạt gần 50 tỷ USD và thâm hụt nghiêng về Việt Nam với 23,7 tỉ USD). Việc ký kết các hiệp định về biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc bộ; tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc đã tiếp sức cho lòng tin về hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.
Trung Quốc đã coi thường luật pháp quốc tế khi hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981), bất chấp "luân thường đạo lý" cơ bản khi huy động tàu chiến, máy bay quân sự uy hiếp, tấn công các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ngay trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế mà quốc tế đã công nhận thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cách ứng xử hung hăng với chính quốc gia mà Trung Quốc đã xác định là "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" đã làm tổn thương sâu sắc sự tôn trọng, tình cảm của nhân dân Việt Nam với Trung Quốc. Bắc Kinh đã tự xây dựng hình ảnh một "người bạn" thiếu trách nhiệm và sẵn sàng bội ước.
Với những hành động ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, liệu còn một người dân Việt Nam nào có thể không nghi ngờ những lời hứa hẹn rằng "bất kỳ lúc nào, bất kỳ tình hình nào đều phải giữ sự ổn định và phát triển lành mạnh của quan hệ hữu nghị hai nước, trước sau xử lý mọi vấn đề với tinh thần hữu nghị láng giềng để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, góp phần cho việc giữ gìn và thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực" như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Giang Trạch Dân đã đề cập trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2000?
Việc gây hấn với lân bang nhằm mở rộng lãnh thổ như một cách thức để thỏa mãn tham vọng cường quyền, để giải quyết những bức bối trong quá trình phát triển mà Trung Quốc đang thực hiện liệu có khiến các quốc gia khác trên thế giới còn dám xem Bắc Kinh là một thành viên đáng tin cậy? Do đó, nhiều học giả trên thế giới đã cho rằng, Trung Quốc dù tính toán kỹ lưỡng thời điểm, phương pháp leo thang căng thẳng với Việt Nam, nhưng cái họ đang mất là những người bạn. Làm dậy sóng biển Hoa Đông ở phía bắc với các tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Nhật Bản, "đốt nóng" Biển Đông ở phía nam bằng việc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa chủ quyền nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, Trung Quốc đang ngày càng tạo ra nhiều đối phương quanh "ngôi nhà" của mình. Hậu quả được cảnh báo là sự cô lập tất yếu, bởi theo GS Jonathan London - chuyên gia khoa Nghiên cứu quốc tế và Châu Á, Trường Đại học Hong Kong, "không ai ưa một kẻ đi gây hấn".
Thế nhưng, sự phát triển của nhân loại đã khẳng định chân lý rằng, một quốc gia dù mạnh tới đâu cũng không thể tồn tại đơn độc, đặc biệt trong thời đại của toàn cầu hóa và liên kết khu vực mạnh mẽ như hiện nay. Sẽ là vô nghĩa khi có được giàu có bằng sự trấn áp các nước khác, sẽ là vô ích khi phô trương sức mạnh để đổi lấy sự xa lánh của cộng đồng. Chung sống hòa hợp với các quốc gia bằng lòng chân thành thực sự mới là sự bảo đảm lâu dài cho tương lai dân tộc, bởi một nhà hiền triết cổ xưa đã nói rằng: "Chân thành là sự khôn ngoan cao cấp".