Toan tính lợi ích
Thế giới - Ngày đăng : 06:19, 14/05/2014
Bất chấp áp lực từ Mỹ và một số nước EU, ngày 12-5, chính quyền Pháp vẫn tuyên bố sẽ không hủy hợp đồng bán tàu chiến cho Nga trị giá 1,1 tỷ euro. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và EU đang cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Theo giải thích của Tổng thống Pháp Francois Hollande, hợp đồng này ký từ năm 2011 và đã được thanh toán, cho nên không nằm trong vòng cấm vận thứ ba vừa được triển khai.
Bất chấp sức ép từ Mỹ và một số thành viên EU, Pháp sẽ bàn giao 2 tàu Mistral cho Nga. |
Hợp đồng Nga mua tàu chiến của Pháp đã được thảo luận trong thời gian dài, là hợp đồng mua vũ khí nước ngoài đầu tiên của Mátxcơva sau gần 2 thập kỷ kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Với hợp đồng từng tạo hơn 1.000 việc làm cho người Pháp, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khi đó từng cho rằng hợp đồng là bằng chứng cho thấy Chiến tranh lạnh đã kết thúc. Theo hợp đồng, mỗi tàu Mistral sẽ được đóng tại Pháp trong 36 tháng. Chiếc đầu tiên mang tên Vladivostok dự kiến sẽ qua biển Baltic để về thành phố St.Petersburg (Nga) vào tháng 12 năm nay. Tại đây, con tàu sẽ được trang bị các loại vũ khí của Nga, cũng như tích hợp nhiều hệ thống khác. Chiếc tàu thứ hai mang tên Sevastopol dự kiến sẽ được chuyển về St.Petersburg vào tháng 11-2015, sau đó sẽ gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương vào nửa sau năm 2016.
Sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga, Pháp chịu nhiều áp lực khi Mỹ và một số nước thành viên EU khuyến cáo Paris không nên cung cấp vũ khí hiện đại cho Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang căng thẳng. Cách đây khoảng một tháng, phát biểu trên kênh truyền hình TF-1, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã bày tỏ sự cân nhắc đối với việc hủy hợp đồng bán tàu Mistral cho Nga. Thế nhưng, nếu hủy hợp đồng, Pháp sẽ phải trả cho Nga hơn 1,2 tỷ euro tiền bồi thường. Số tiền này bao gồm giá trị hợp đồng của 2 chiếc Mistral và tiền phạt vì không chuyển giao tàu, trong đó giá trị hợp đồng là 1,1 tỷ euro.
Trong bối cảnh Pháp hiện nay vẫn đang chật vật trên con đường phục hồi, việc bồi thường hợp đồng tàu chiến cho Nga chẳng khác nào cú giáng mạnh vào nền kinh tế đang còn run rẩy. Theo dự báo mới được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra, kinh tế Pháp có thể tăng trưởng rất thấp trong năm nay, chỉ khoảng dưới 1%; tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao kỷ lục, trên 10,4% và nợ công của nước này đã tăng lên trên 93,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Vì vậy, việc Pháp phải đi ngược lại với sức ép của Mỹ và một số thành viên EU trong thương vụ Mistral với Nga là hoàn toàn dễ hiểu.
Nếu xét về tổng thể, đây không chỉ là câu chuyện lợi ích giữa Pháp và Nga mà còn là mối quan hệ của nhiều thành viên khác trong EU với Mátxcơva. Vì thế, trong thời gian qua, dù 2 bên nhiều lần đưa ra các đợt trừng phạt lẫn nhau song nếu xem xét kỹ thì những đòn trừng phạt này đều chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của cả Nga và EU.
Cũng không có gì khó hiểu khi Đức, trong vai trò đầu tàu kinh tế của EU hiện nay, thường xuyên đưa ra các động thái mềm mỏng với Nga trong các cuộc bàn thảo về vấn đề Ukraine. Ngày 12-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục kêu gọi giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng kéo dài ở Ukraine. Rõ ràng, các bên đều hiểu rằng, trong bối cảnh quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh như hiện nay, một cuộc chiến thương mại thông qua các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ khiến cả hai phía thiệt hại nặng nề. Đây chắc chắn không phải là một kết cục mà Nga và EU mong muốn trong cuộc đấu trí địa - chính trị tại đất nước bên bờ Biển Đen.