Không để người dân giấu dịch, bán chạy vật nuôi

Xã hội - Ngày đăng : 04:37, 14/05/2014

(HNM) - Trong các tháng đầu năm 2014, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp.

Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhưng đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.

Đây là nội dung được thảo luận trong hội nghị sơ kết công tác, phòng chống dịch bệnh GSGC và thủy sản các tỉnh phía Bắc do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu chủ động công tác tiêm phòng là một trong những nguyên nhân gây nên dịch bệnh. Ảnh: Bá Hoạt


Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vì dịch

Mặc dù đến thời điểm này cả nước đã khống chế thành công dịch cúm gia cầm, nhưng người dân đã bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Thời gian qua, các địa phương đã tổ chức giám sát cúm A/H5N1 tại các chợ từ tháng 11-2013 đến 2-2014 tại 41 tỉnh, lấy 13.660 mẫu và phát hiện 5,9% mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5N1. Đối với vi rút cúm A/H7N9, từ việc triển khai chương trình giám sát vi rút do USAID/FAO và CDC của Mỹ tài trợ từ tháng 6-2013 đến tháng 4-2014 và tăng cường năng lực xét nghiệm cúm A/H7N9 cho tất cả các cơ quan thú y vùng, các cơ quan chuyên môn đã lấy 73.282 mẫu các loại ở 100 chợ, điểm buôn bán gia cầm của 11 tỉnh, thành phố để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, gần 10.000 mẫu dương tính với cúm A, chiếm trên 15% tổng số mẫu xét nghiệm nhưng không có mẫu nào dương tính với cúm A/H7N9. Đối với dịch lở mồm long móng, cả nước đã xuất hiện 48 ổ dịch tại 48 xã thuộc 21 huyện, thị xã của 10 tỉnh làm 2.350 con gia súc mắc bệnh, số gia súc bị chết và tiêu hủy là 71 con. Đến nay, cả nước còn 3 tỉnh là Hà Tĩnh, Yên Bái và Kon Tum có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày…

Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, dịch bệnh xảy ra chủ yếu tại một số hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Do thời tiết diễn biến bất thường (băng giá ở các tỉnh phía Bắc, lạnh bất thường ở các tỉnh phía Nam) làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm. Vi rút cúm A/H5N1 lưu hành rộng khắp tại các chợ buôn bán gia cầm sống của nhiều tỉnh, thành phố và lây lan qua hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm. Trong khi đó, vi rút cúm A/H5N1 đã xuất hiện và phát tán rộng trên phạm vi cả nước; nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch hoặc nuôi mới chưa được tiêm phòng vắc xin; việc chăn nuôi gia cầm ở khu vực giáp ranh giữa Việt Nam và Campuchia rất phức tạp. Hơn nữa, trong những tháng đầu năm, tình hình dịch cúm gia cầm ở Campuchia diễn biến phức tạp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng vi rút xâm nhập vào Việt Nam. Hệ thống mạng lưới thú y cơ sở ở một số tỉnh, thành phố còn bất cập như: không có thú y cơ sở thôn, bản, làng, xã; thậm chí có cán bộ nhưng không có chuyên môn do xã tự tuyển chọn, chế độ thù lao chưa thỏa đáng… nên họ chưa nhiệt tình tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh…

Tiếp tục giám sát, phòng chống

Đến thời điểm này dịch bệnh trên đàn GSGC cơ bản được kiểm soát, nhưng dự báo từ nay đến cuối năm, một số địa phương vẫn có nguy cơ cao, đặc biệt là nơi có ổ dịch cũ… Do đó, các địa phương không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục theo dõi giám sát chặt chẽ việc nhập, xuất đàn vật nuôi trên địa bàn. Hiện nay, Cục Thú y vẫn đang phối hợp với các địa phương triển khai các chương trình phòng chống dịch bệnh như: Triển khai chương trình giám sát vi rút cúm A/H5N1 do Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) tài trợ từ tháng 4 đến tháng 9-2014. Các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh ở cơ sở; công khai mức hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ khi có GSGC tiêu hủy cho người dân biết, tránh việc người dân giấu dịch, bán chạy vật nuôi khi đang mắc bệnh. Đồng thời, cần chủ động triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sự lưu hành vi rút cúm A/H5N1, A/H7N9 trên đàn gia cầm, nhất là gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, sau một thời gian dài người chăn nuôi thua lỗ vì giá giảm, hiện nay giá thực phẩm bắt đầu tăng trở lại, nên số hộ nhập nuôi đàn GSGC sẽ có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, thời tiết năm nay diễn biến bất thường, thời điểm hiện tại dịch cúm gia cầm sẽ giảm nhưng dịch bệnh trên đàn gia súc sẽ có nguy cơ cao. Để không gây thiệt hại về kinh tế cho người dân khi chăn nuôi, các địa phương cần tăng cường xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; khuyến cáo người dân chỉ nhập con giống tại các cơ sở có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; thường xuyên tổng vệ sinh tiêu độc môi trường ở khu vực nuôi…



Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm 2014 đến nay, các ổ dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 155 xã, phường của 90 xã, huyện, thị xã thuộc 33 tỉnh, thành phố. Số gia cầm mắc bệnh là 211.573 con, trong đó số gia cầm chết là hơn 101.900 con. So với 6 tháng đầu năm 2013, số xã có có dịch tăng khoảng 4,6 lần, số gia cầm tiêu hủy tăng gần 4 lần.

Ngọc Quỳnh