Dịch bệnh và câu hỏi trách nhiệm
Góc nhìn - Ngày đăng : 03:53, 14/05/2014
Đầu tiên kể đến là bệnh sởi, một bệnh đã tưởng chế ngự được hàng chục năm về trước nhưng năm nay đã trở lại với nhiều đặc tính lạ. Thông thường, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng năm nay gặp ở cả những người lớn tuổi. Thông thường, bệnh trong một tuần, sau đó tự khỏi nhưng năm nay có nhiều trường hợp biến chứng và biến chứng nặng, dẫn đến tử vong. Đặc biệt, địa bàn Hà Nội trở thành trung tâm của sởi, đứng đầu cả nước về số trường hợp tử vong, một hiện tượng đáng lo ngại, lần đầu tiên xuất hiện. Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều nguyên nhân: Một là Hà Nội có nhiều bệnh viện tuyến trung ương, trong đó có Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhân từ các nơi đổ về. Hai là Hà Nội quá đông dân, người từ nơi khác về hoặc qua lại nhiều. Ba là tâm lý người dân còn chủ quan với dịch bệnh, không tích cực triển khai những vệ sinh dự phòng cần thiết.
Bên cạnh sởi, hàng loạt bệnh khác như sốt xuất huyết, sốt phát ban, rubenla, thủy đậu, cúm mùa (A/H1N1)… cũng xuất hiện. Xa hơn, dịch viêm phổi cấp tương tự như SART đang rình rập. Tổ chức Y tế thế giới vừa phát đi cảnh báo nhiều loại virus đã có khả năng kháng vắc xin và thuốc kháng sinh hiện hành, nếu khả năng này lan tràn sẽ đe dọa tính mạng con người với ngay những bệnh thông thường.
Trước những đe dọa ấy, Chính phủ và chính quyền các cấp đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp phòng chống. Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo và các sở y tế trong đó có Sở Y tế Hà Nội, báo chí truyền thông Hà Nội cũng đã có nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân tổ chức phun thuốc trừ muỗi, làm vệ sinh môi trường… Tuy nhiên, như một câu nói quen thuộc "hãy tự cứu mình trước khi trời cứu", vấn đề quyết định trong phòng chống dịch bệnh là ý thức và hành vi của mỗi con người. Thứ nhất là trách nhiệm của các cấp chính quyền và ngành y tế làm sao để các bệnh viện trung ương không quá tải vì bệnh nhân từ nhiều nơi dồn đến. Trời nóng nực, hai ba bệnh nhân một giường trong khi virus lại lây qua đường hô hấp và qua da thì bệnh nhẹ cũng thành bệnh nặng, không có bệnh cũng thành có bệnh. Khi bệnh bùng phát mới vỡ ra, nhiều người đã không cho con em đi tiêm phòng, tiêm phòng không đủ mũi… việc này không biết chính quyền phường, xã và ngành y tế có biết không? Thứ hai là trách nhiệm của mọi người. Ngoài vệ sinh cá nhân ra, ta đã tích cực giúp đỡ ngành y tế phun thuốc muỗi, trừ bọ gậy, vệ sinh môi trường chưa? Ta đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội để ngăn bệnh lây lan như tuyên truyền vận động ở nhà mẫu giáo, trường học, chợ, bệnh viện, nơi tập trung đông người chưa? Ta đã bình tĩnh, tỉnh táo trước dịch bệnh để đừng làm khó cho ngành y tế và bảo vệ được sinh mạng cho con cháu mình chưa? Tự hỏi và trả lời được những câu hỏi ấy đã giảm được 70% nguy cơ bệnh tật.