Bài 2: Doanh nghiệp “quên” quyền lợi người lao động

Xã hội - Ngày đăng : 07:56, 13/05/2014

(HNM) - Thực tế hiện nay cho thấy, chỉ có khoảng 20% lao động có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), trong khi có đến 78% lao động nằm trong diện bắt buộc phải đóng. Do đó, giải pháp tất yếu là cần các biện pháp tăng thu để tránh vỡ quỹ bằng cách buộc doanh nghiệp phải đóng BHXH đầy đủ cho người lao động.

Đòi "nợ" doanh nghiệp

Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quyền mới của công dân là quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Để cụ thể hóa quy định này, việc đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống pháp luật về BHXH, cũng như cách thức tổ chức thực hiện là tất yếu. Song những giải pháp Chính phủ đưa ra có thực khả thi không. Và quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất liệu sẽ được bảo toàn khi tăng tuổi nghỉ hưu, thay đổi cách tính lương hưu?

Ảnh minh họa


Lý giải cho vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, diện bao phủ của BHXH hiện còn thấp không chỉ do các quy định hiện hành chưa tạo động lực cho cơ quan quản lý mở rộng đối tượng, hay còn thiếu hấp dẫn với người lao động. Bởi thực tế, hiện nay cơ quan chức năng mới chỉ kiểm soát được số lượng CBCC, viên chức, lực lượng vũ trang tăng thêm, còn chưa kiểm soát được nhân lực khu vực sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp ngoài công lập. Do đó, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động. Sau nhiều lần nhắc nhở không thành, đầu năm 2014, BHXH các tỉnh, thành phố đã khởi kiện 3.425 đơn vị nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), thu hồi được 223,4 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp nợ đọng lớn như Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) nợ BHXH 50 tháng với số tiền là gần 17 tỷ đồng; Công ty cổ phần Mai Linh miền Nam (197 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP Hồ Chí Minh) nợ BHXH, BHYT 21 tháng, với số tiền là hơn 33 tỷ đồng; Công ty cổ phần LISEMCO (Km 6 quốc lộ 5 Hùng Vương, Hồng Bàng, Hải Phòng) nợ BHXH, BHYT 28 tháng với số tiền là gần 20 tỷ đồng...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Việt Nam đang áp dụng quy định lãi chậm đóng bằng mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm. Trong khi đó, mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH thường thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay của các ngân hàng. Mặt khác, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH hiện hành quá thấp, tối đa chỉ dừng lại ở con số 75 triệu đồng. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cố tình nợ đóng và chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền đóng BHXH.

Người lao động "thiệt đơn thiệt kép"

Một vấn đề đáng lưu ý khác, đó là người lao động về hưu hưởng mức lương rất thấp, bởi nhiều doanh nghiệp đã không đóng bảo hiểm cho họ trên mức lương thực lãnh, mà chỉ đóng dựa trên mức lương tối thiểu, nhân hệ số lương cơ bản. Để tránh vi phạm luật, không ít doanh nghiệp tách tiền lương ra trả cho lao động bằng các khoản phụ cấp khác để giảm bớt mức đóng BHXH. Vì nhu cầu việc làm, nên dù biết bị thiệt thòi, phần lớn người lao động vẫn phải chấp nhận. Thực tế này không phải Bộ LĐ,TB&XH không biết vì theo kết quả điều tra năm 2012 của cơ quan này, mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH mới chỉ bằng 66% tiền lương, tiền công thực tế. Cũng vì lý do này nên nguồn thu cho quỹ BHXH bị thất thu, tiền lương hưu của người lao động khi nghỉ hưu cũng sẽ thấp, không bảo đảm cuộc sống. Thế nhưng, chưa thấy các cơ quan quản lý đưa ra được giải pháp khắc phục bất cập trên.

Để bảo đảm quyền lợi của người lao động hưởng lương hưu hằng tháng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính đề xuất phải tăng cường kiểm tra rà soát các đơn vị trốn đóng BHXH, đồng thời tổ chức lộ trình thu BHXH trên cơ sở tiền lương thực tế.

Được biết, Bộ LĐ,TB&XH đang xem xét 2 phương án khác nhau về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động. Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, để thực hiện quy định này thì doanh nghiệp sẽ chịu thêm chi phí đóng BHXH, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với năng suất lao động thấp. Từ đó, ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người lao động. Do đó, bảo đảm tốt hơn tính khả thi trong tổ chức thực hiện, tránh việc trốn đóng, thì cần có bước đi phù hợp để các doanh nghiệp điều chỉnh dần. Chưa kể, muốn triển khai hiệu quả, BHXH Việt Nam cần trả lời câu hỏi sẽ có những cải cách, đổi mới nào trong phương thức, quy trình, thủ tục quản lý để đáp ứng yêu cầu đặt ra, hạn chế tối đa hiện tượng doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Dự thảo Luật Quy định việc ủy quyền cho tổ chức BHXH thực hiện thanh tra chuyên ngành về BHXH. Song quy định này không phù hợp với quy định tại Điều 29 Luật Thanh tra vì tổ chức BHXH là đơn vị sự nghiệp, không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên không có chức năng thanh tra. Rõ ràng, những bất cập từ chính cơ chế chính sách đang không chỉ làm khó người lao động mà còn làm khó chính các cơ quan quản lý nhà nước.

Hết tháng 3-2014, nợ hơn 7,4 nghìn tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội

(HNM) - "Hiện tình trạng nợ BHXH, BHYT xảy ra ở hầu hết các địa phương. Cả nước có hơn 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có 150 nghìn doanh nghiệp tham gia BHXH". Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT quý II-2014 do BHXH Việt Nam tổ chức chiều 12-5, tại Hà Nội. Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 3-2014, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện là hơn 11 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ BHXH hơn 7,4 nghìn tỷ đồng.


Hoàng Cường

Hải Hà