Mới xử lý được “phần ngọn”

Kinh tế - Ngày đăng : 07:51, 13/05/2014

(HNM) - Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công thương), các sản phẩm xe đạp điện nhập ngoại đang chiếm lĩnh thị trường như Honda, Yamaha, Bridgestone, Giant… nhưng khoảng 80-90% trong số đó là hàng nhập lậu, hàng giả và hàng nhái khiến doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước không thể cạnh tranh.

Người tiêu dùng nên lựa chọn kỹ để tránh mua phải các loại xe đạp điện không rõ nguồn gốc.



Mới đây, Đội QLTT số 5 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã tạm giữ 24 chiếc xe đạp điện nhập khẩu nghi giả nhãn hiệu Yamaha tại khu vực Cảng Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất hiện nhưng người lái xe chở số hàng trên đã xuất trình toàn bộ hóa đơn đỏ của lô hàng. Điều đáng nói là trong đó, giá bán mỗi chiếc xe chỉ là 1 triệu đồng. Trong khi đó, theo các cán bộ QLTT, tại những tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng xe đạp điện như Bà Triệu, Nguyễn Lương Bằng…, giá mỗi chiếc xe có mẫu mã tương tự dao động từ 6 đến 12 triệu đồng/chiếc. Mặt khác, theo Thông tư 39/2013/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với xe đạp điện, chủ cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu mặt hàng này chưa xuất trình được bản đăng ký các thông số kỹ thuật như số loại, khối lượng, động cơ, công suất, tốc độ, quãng đường đi được khi ắc quy nạp đầy điện. Lô hàng này cũng không được dán tem hợp quy nên Đội QLTT số 5 đã hoàn thiện hồ sơ và mời chủ nhân lô hàng đến để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Chi cục QLTT Hà Nội đã ra quân kiểm tra mặt hàng xe đạp điện trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy, hầu hết cơ sở kinh doanh đều có vi phạm về hóa đơn chứng từ, hóa đơn nhập khẩu và không thực hiện việc niêm yết giá theo quy định. Nhiều sản phẩm không được dán tem nhãn mác theo quy định. Lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều xe mang nhãn mác giả các thương hiệu nổi tiếng như Yamaha, Honda đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đại diện một số DN sản xuất, kinh doanh xe đạp điện trong nước cho biết, một trong những yếu tố khiến sản phẩm nội khó cạnh tranh ngoài mẫu mã nghèo nàn, còn do thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị quá cao. Trong đó, động cơ bị đánh thuế 30%, bình ắc quy và một số bộ phận khác chịu thuế tới 60%... khiến giá thành sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao. Vì vậy, xe đạp điện nội chưa thể cạnh tranh giá so với sản phẩm ngoại nhập cùng loại.

Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, sản xuất xe đạp điện nhái nhãn mác, thời gian tới lực lượng QLTT Hà Nội sẽ kiểm tra các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh xe đạp điện, nhất là các DN sản xuất, nhập khẩu với số lượng lớn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng liên quan cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách, xây dựng hàng rào chống buôn lậu để hàng trong nước phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại. Đồng thời, sớm có chính sách hỗ trợ DN thiết lập kênh phân phối để đưa sản phẩm chất lượng tốt đến người tiêu dùng với giá thành hợp lý.

Từ cuối năm 2013 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 18 vụ sản xuất, kinh doanh xe đạp điện có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, có 13 vụ vi phạm về hàng lậu, 5 vụ vi phạm về giả mạo nhãn hiệu Honda, tịch thu 57 chiếc xe nhập lậu. Lực lượng chức năng cũng phát hiện một số DN ghi trên hóa đơn bán xe cho đại lý chỉ bằng 1/3 giá bán trên thị trường để trốn thuế.

Thanh Hiền