Hoàng Sa là máu thịt!

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:06, 13/05/2014

(HNM) - Sau một ngày ở Đà Nẵng, sáng 12-5, nhóm phóng viên Báo Hànộimới di chuyển vào Quảng Ngãi.


Ngư dân Việt Nam quyết tâm ra khơi bám biển. Ảnh: Hồ Cầu



Chuyện ở Sa Kỳ

Mới sáng ra, người dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), nơi có cảng Sa Kỳ, đã bắt đầu một ngày thu mua thủy sản bận rộn. Cầu cảng đón tàu từ huyện đảo Lý Sơn vào, tàu của con em Bình Châu trở về sau những chuyến đi xa. Ông Võ Duy Đức, 55 tuổi, thành viên Ban quản lý chợ Bình Châu nói: "Sau những chuyến đi biển dài ngày, đa số tàu Quảng Ngãi cập cảng Sa Kỳ. Các tàu từ huyện đảo Lý Sơn cũng ghé vào đây bởi ở Lý Sơn không có điểm thu mua thủy sản. Cá tôm về đây, rồi theo thương lái ra Đà Nẵng, Huế".

Sa Kỳ là cảng cá, nhưng cũng là một trong ba bến tàu ở khu vực cửa biển Sa Kỳ. Vào mùa bão, những bến tàu này đủ sức chứa hàng nghìn tàu thuyền vào tránh trú, đa số là tàu đánh bắt xa bờ. Như lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, tỉnh hiện có khoảng 5.500 tàu thuyền, gần một nửa trong số đó có công suất trên 90 mã lực. Số này hoạt động chủ yếu ở các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vịnh Bắc bộ. Cơ cấu nghề khai thác khá đa dạng như lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu, cào khơi… Sản lượng khai thác thủy hải sản trong 4 tháng đầu năm nay đạt 37.400 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Từ trên cầu cảng nhìn xuống, thấy đủ loại tàu neo trong bến Sa Kỳ, phần lớn là tàu có biển hiệu gồm 5 chữ số (tàu xa bờ), loại 4 chữ số rất ít. Một số tàu cập cảng trả hàng, một số neo lại để "nước", từ dùng của người địa phương khi nói về việc sửa sang lại tàu sau vài chuyến ra khơi xa; "nước" nghĩa là sơn sửa vỏ tàu, cạo hàu bám mạn… Một vài chiếc cần phải sửa chữa lớn, sau khi bị tàu Trung Quốc đâm phá vô lý tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam trong ít ngày vừa qua. Trên bến, trong dòng người tấp nập chuyển cá từ tàu lên bờ, ngư dân Trần Trung, người vừa trở về cảng cùng tàu QNg 96507 cười tươi rói, tay xách ngược hai con cá to bự lên, "Đây là cá vi vàng - gọi đầy đủ là cá ngừ vây vàng, chỉ có ở vùng biển Hoàng Sa. Chúng em vừa từ Hoàng Sa về, đâu có sợ Trung Quốc. Mấy chủ tàu bên cạnh mới bị tàu Trung Quốc đâm suýt chìm, vừa kéo về, được bạn nghề, tỉnh hỗ trợ mấy trăm triệu đồng để sửa chữa đấy".

Với ngư dân Quảng Ngãi, chuyện bị tàu Trung Quốc quấy rối và tìm cách phá hoại không còn lạ nữa, nhiều đến mức thành quen. Họ có sợ hãi mà bỏ biển sau những lần va chạm, đặc biệt là gần đây, khi Trung Quốc xua tàu chiến xuống vùng biển thuộc chủ quyền của ta để bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981? Không, lo một chút nhưng bỏ nghề thì không. Như ở Bình Châu, chủ tàu Tiêu Viết Là từng ba lần bị phía tàu Trung Quốc phá hoại phương tiện và tài sản nhưng vẫn không bỏ Hoàng Sa. Ông bảo rằng: "Cha mẹ sinh mình ra, Hoàng Sa cho cơ hội kiếm sống để nuôi dưỡng con cái nên người, bao đời nay đã là máu thịt rồi".

Nhóm phóng viên Báo Hànộimới và Thuyền trưởng Nguyễn Lộc (thứ hai từ trái sang) cùng các ngư dân từ Hoàng Sa trở về.



Bám biển tới cùng

Gần trưa, chúng tôi nhận tin về một thuyền trưởng vừa đưa tàu và thủy thủ đoàn trở về an toàn sau khi bị tàu Trung Quốc đuổi đâm ở Hoàng Sa. Chuyện mới xảy ra vài ngày trước, những ngày "biển động" bởi sự hiện diện phi pháp của giàn khoan Trung Quốc trên biển Hoàng Sa.

Thuyền trưởng Nguyễn Lộc người Lý Sơn, năm nay 37 tuổi, nhưng đã có thâm niên đi biển xa gần hai chục năm. Người cha của bốn đứa con ngồi trước chúng tôi, dáng tầm thước nhưng vạm vỡ, cười nhẹ khi nói về lần va chạm cuối cùng. "Chúng tôi ra biển được một tuần thì chạm tàu Trung Quốc. Chỗ đó gần nơi xuất hiện giàn khoan Hải Dương - 981, bằng mắt thường cũng có thể thấy rõ nhóm tàu bảo vệ vòng ngoài. Rồi chúng tôi bị hai tàu Trung Quốc rượt đuổi. Một chiếc đâm vào mạn phải. Tàu bục, chúng tôi chạy vòng tròn, quyết không cho tàu Trung Quốc kẹp, mỗi vòng lại thoát xa được một chút. Sau rồi tìm cách bơm nước ra, nẹp tạm chỗ bị vỡ".

Tàu QNg 96416 của Nguyễn Lộc chưa đầy 200 mã lực, đóng từ cách nay chục năm, số lần ra Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc rượt đuổi "không đếm nổi", "nhưng lần này là nguy nhất". Hôm tàu về Sa Kỳ, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi quyết định tặng anh chi phí sửa chữa tàu, tất cả là 400 triệu đồng. Nguyễn Lộc nói đang chờ sửa tàu, chắc mất hai chục ngày, rồi sẽ lại ra Hoàng Sa.

Vài ngày qua, ở Sa Kỳ không chỉ có câu chuyện đáng chú ý về thuyền trưởng Nguyễn Lộc. Người dân Bình Châu đang rôm rả bàn tán chuyện tàu cá QNg 96147, do ngư dân Dương Văn Giàu ở xã An Hải - Lý Sơn là chủ tàu kiêm thuyền trưởng, trên tàu có 15 lao động, trong khi đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc truy đuổi, tấn công và cướp toàn bộ ngư cụ, hải sản vừa khai thác được. Sau khi bị tàu Trung Quốc tấn công, tàu của ông Giàu trôi dạt trên biển thì được tàu cá của ngư dân Lý Sơn phát hiện và lai dắt về đất liền.

Tại Xưởng đóng mới và sửa chữa tàu của Công ty TNHH một thành viên 19-5 ở bến Sa Kỳ, chúng tôi gặp ông Bùi Văn Bình, chủ tàu QNg 90598, cũng vừa từ ngư trường Hoàng Sa trở về. Mời khách lên chiếc tàu đã được đưa lên cạn để "nước", ông Bùi Văn Bình nói, giọng không giấu nổi sự tức giận: "Chuyến này lỗ nặng, cũng chỉ tại Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam để gây sự".

Đi biển từ khi mới 13 tuổi, giờ đã ngót 50 tuổi, chưa bao giờ ông Bùi Văn Bình thấy bất an như chuyến đi biển vừa rồi. Khác với các tàu đánh bắt bằng lưới, tàu của ông Bình khai thác hải sản bằng nghề "lặn và đâm", cái nghề mà người ta gọi là "hồn treo cột buồm". Khái quát thế này, khi ra biển, ông cùng 8 thuyền viên phải ngậm ống thở lặn xuống độ sâu khoảng 40 - 80m, dùng loại dụng cụ mà người Quảng Ngãi gọi là đọc và tông để đâm cá. Công việc này kéo dài từ 8h tối hôm trước đến tờ mờ sáng hôm sau. Dưới biển sâu đầy bất trắc chực chờ, một sự cố về bình hơi, một luồng nước độc cũng có thể lấy đi mạng sống của người thợ lặn trong nháy mắt. Ấy vậy mà hơn chục ngày qua, những người làm nghề lặn biển như ông Bình lại chịu thêm nỗi lo bởi tàu của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Họ đi lại nghênh ngang, tìm đủ cách để gây sự, sẵn sàng đâm thẳng vào tàu cá của ta. Nghĩ lại, trong tình huống ông cùng các thuyền viên đang lặn dưới độ sâu vài chục mét, việc bị tàu Trung Quốc truy đuổi khiến tính mạng ngư dân lâm cảnh "ngàn cân treo sợi tóc". Dù biết trước hiểm nguy đang cận kề ngoài ngư trường quen thuộc, ông Bình mạnh mẽ, tự tin nói: "Có gì đâu, tuần tới tụi tôi lại ra khơi. Hoàng Sa là của Việt Nam, là ngư trường truyền thống của ngư dân từ bao đời nay. Cá trong ao nhà mình thì mình bắt, việc gì phải sợ! Chúng tôi sẽ bám biển tới cùng".

Trời về trưa, nắng như chan lửa cảng cá Sa Kỳ. Trần Minh Kha, 35 tuổi, người xã Bình Châu, vẫn nhoài người dưới gầm con tàu lớn để thực hiện những mối hàn còn lại. "Chừng vài ngày nữa sơn xong là hạ thủy. Trong những ngày này, chúng tôi phải tranh thủ làm vì tàu bị Trung Quốc đâm hỏng, về bến để sửa chữa khá nhiều" - Anh Trần Minh Kha cho biết. Mỗi chiếc bị đâm hỏng chữa hết bao nhiêu à? Nhẹ thì vài chục triệu, nặng thì vài trăm triệu. Kha trước cũng từng là ngư dân đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa, nhưng tàu của anh bị tàu Trung Quốc đâm nhiều lần, phải đi vay tiền để sửa chữa, vay miết rồi không trả nổi, phải bán tàu rồi đi làm thuê, ngày ít cũng được dăm ba trăm nghìn đồng, ngày nhiều được bảy trăm, cũng đủ sống, nhưng "nhớ biển quá"! "Không sợ Trung Quốc dù họ cố tìm mọi cách làm cho mình sợ, như thu đồ lặn, lưới đánh bắt, đổ dầu máy vào tôm cá… Chỉ lo họ phá mình quá, lại phải đi vay rồi mắc nợ" - Kha quả quyết…

Trưa qua, chúng tôi được người dân Bình Châu mời món cá nục suôn hấp. Món lạ khiến khách nức nở. Nào bánh tráng, nào rau thơm, nước chấm cay… Cuộn con cá nhỏ như ngón tay, mềm, thơm, ăn ngon không chịu được. "Cá ngon còn là vì bắt được từ Hoàng Sa đấy!", ai đó chợt nói khiến tất cả cùng lặng đi. Để có được con cá chỉ bằng ngón tay, ngư dân Việt Nam phải đổ bao mồ hôi, nước mắt; cảnh sát biển, kiểm ngư phải trả bằng máu của mình. Biển bây giờ không chỉ có bão tố, mà còn có hiểm nguy từ những kẻ cố tình gây hấn, lấn chiếm, bất chấp luật pháp quốc tế và đạo lý.

Ngày mai, ngày kia, trong những giờ khắc "biển động", ai đó về Sa Kỳ và được gặp ngư dân Bình Châu, Lý Sơn, chắc hẳn sẽ có cảm xúc không thể nào quên…

Nhóm phóng viên Hànộimới