Dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại về hành động nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông
Thế giới - Ngày đăng : 19:43, 12/05/2014
Trong hai ngày 11-12/5, nhiều tờ báo lớn trên thế giới như Reuters, AFP, The World Street Journal…đã đưa tin về Hội nghị Cấp cao ASEAN 24, với một vấn đề nóng được đề cập tới trong chương trình nghị sự là các diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông, xuất phát từ những hành động “khiêu khích, đơn phương” của Trung Quốc. Ngày 10/5, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần đầu tiên sau hai thập kỷ (từ 1995) đã thông qua Tuyên bố riêng về tình hình hiện nay ở Biển Đông. Ngày 11/5, Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN tiếp tục ra Tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Những tuyên bố trên đã phần nào thể hiện rõ sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh tại Biển Đông.
Đánh giá về việc ASEAN đạt được đồng thuận về Biển Đông thể hiện trong bản tuyên bố ngày 10/5, chuyên gia theo dõi an ninh chính trị khu vực Đông Nam Á Carlyle Thayer cho rằng: “Trung Quốc sẽ phải lưu tâm đến bản tuyên bố do tất cả các ngoại trưởng ASEAN đưa ra…Trung Quốc tất nhiên sẽ lưu tâm đặc biệt nếu bản tuyên bố được chuẩn thuận bởi các lãnh đạo của khối”.
Tờ Bernama của Malaysia, ngày 11/5 có bài viết nêu bật quan điểm của Thủ tướng nước này, ông Datuk Seri Najib Tun Razak nhằm kêu gọi những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng trong các quan hệ tranh chấp ở Biển Đông. Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, ngày 11/5, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Tun Razak, đã nhấn mạnh tầm quan trọng và kêu gọi tất cả các bên có liên quan tập trung giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông nhằm giảm căng thẳng trong khu vực. Ông Razak cho rằng, các bên cần tìm kiếm giải pháp cho vấn đề thông qua tiến trình đàm phán và tạo ra một môi trường mang tính xây dựng.
Ông Razak cho biết, tại hội nghị lần này, 10 nước thành viên ASEAN đã thảo luận sâu rộng về tình hình căng thẳng gần đây trên Biển Đông. “Tôi cho rằng, vấn đề sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông và triển khai thành các điều khoản cụ thể, được tất cả các bên thừa nhận – là một vấn đề quan trọng”, ông Razak nói. Thủ tướng Malaysia tin tưởng các nước ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy để thông qua đầy đủ văn kiện quan trọng này vào năm tới.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho rằng, các nước ASEAN cần giữ vững lập trường “trung lập”, song không thể “im lặng” trước những căng thẳng gần đây ở Biển Đông.
Tờ Thời báo Kinh tế (The Economic Times), ngày 12/5 có bài viết “Tình hình trên Biển Đông tiếp tục diễn biến căng thẳng hơn sau những hành vi khiêu khích của Trung Quốc”. Bài viết nêu rõ, các hành vi ngang ngược, hung hãn của Bắc Kinh như hạ đặt giàn khoan nước sâu tại Biển Đông, chủ ý đâm thẳng vào tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam – là các hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô hình chung, đã để lại “bài học cho các nước”, trong đó có Ấn Độ - vốn đang có quan hệ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Bài viết nêu rõ, Ấn Độ - nước có nhiều lợi ích kinh tế, chiến lược trong khu vực, bày tỏ quan ngại đặc biệt trước những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin nêu rõ: “Chúng tôi theo dõi tình hình trên Biển Đông với một mối quan ngại sâu sắc. Chúng tôi tin rằng, việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp cho vấn đề thông qua con đường hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Xét theo khía cạnh này, chúng tôi cũng nhấn mạnh lập trường nhằm duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, kêu gọi hợp tác nhằm bảo đảm và tăng cường an ninh hàng hải”.
Bên cạnh đó, tờ The Economic Times cũng dẫn lời một số quan chức chính phủ Ấn Độ cho rằng, New Delhi đang theo dõi sát sao những diễn biến trong một khu vực vốn có nhiều tác động đến lợi ích của quốc gia này. Tình hình trên Biển Đông đã trở nên căng thẳng ngay trước thời điểm thành lập một chính phủ mới tại Ấn Độ và thái độ “hung hăng” của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ có nguy cơ sẽ tạo ra “một thách thức mới” trong bối cảnh chính phủ mới của Ấn Độ đang nỗ lực gây dựng quan hệ với các nước láng giềng phía Bắc.
Tờ Brisbanetimes của Australia, ngày 11/5 có bài viết khẳng định, các nước trong khu vực đang gia tăng quan ngại trước diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông. Bài viết dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Australia khẳng định, nước này đang theo dõi sát sao diễn biến trên Biển Đông và kêu gọi các bên kiềm chế, tránh những hành động làm gia tăng căng thẳng.
Tờ The New York Times có bài bình luận “Điều phiền toái trên Biển Đông”, trong đó nêu rõ Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng nguy hiểm trên Biển Đông sau khi lần đầu tiên đưa giàn khoan nước sâu vào một vùng biển của Việt Nam. Động thái này của Trung Quốc rõ ràng sẽ khiến nhiều nước trong khu vực cảm thấy bị “đe dọa”. Bên cạnh đó, bài viết này cũng bác bỏ những luận điệu do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra nhằm đổ lỗi cho Việt Nam gây nên tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông khi cho rằng “quan điểm của Trung Quốc đưa ra là không thuyết phục bởi sẽ không có tình huống căng thẳng nào nếu như Bắc Kinh không hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981”.
Ngày 12/5, Tướng Daniel Schaeffer - nguyên Tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam và Trung Quốc, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp và là một nhà nghiên cứu có uy tín về Biển Đông - nhận định rằng, bằng hành động đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vượt quá các quyền hạn của mình và vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Tướng Daniel Schaeffer cho rằng hành động của Trung Quốc là bước đi mới trong tổng thể các hành động hòng độc chiếm Biển Đông bằng cái gọi là "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó.
Cùng ngày, ông Anton Svetov, chuyên viên Hội đồng Đối ngoại Nga, cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động được lên kế hoạch bài bản. Theo ông Svetov, các vụ gây hấn tương tự của Trung Quốc đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ, song lần này đi xa hơn và nguy hiểm hơn. Việc Trung Quốc huy động một đội tàu hùng hậu để hộ tống giàn khoan đã nói lên tất cả.
Trong khi đó, ông Vladimir Kolotov, Trưởng bộ môn lịch sử các nước phương Đông thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg (Nga), nhấn mạnh sự bành trướng của Trung Quốc ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang gây căng thẳng, làm phương hại lòng tin trong khu vực.
Chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phương Đông (Nga) Dmitry Mosyakov cũng khẳng định hành động của Trung Quốc là hết sức nguy hiểm, không chỉ gây căng thẳng trong khu vực, mà còn phá vỡ các nỗ lực và kế hoạch nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị Trung - Việt nói riêng và giữa Trung Quốc với các nước khác nói chung./.