Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, Pháp và Singapore phản đối Trung Quốc

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 09:55, 12/05/2014

Tham gia tuần hành không chỉ có người Việt Nam mà còn có không ít người Nhật Bản ủng hộ Việt Nam.

Người Việt tại Nhật Bản tuần hành phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của Việt Nam.


Mục đích cuộc tuần hành nhằm góp tiếng nói với đồng bào ở trong nước thể hiện thái độ kiên quyết của Việt Nam trước hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế nhằm gia tăng sức ép đối với chính phủ Trung Quốc trong việc rút giàn khoan Hải Dương - 981 khỏi thềm lục địa của Việt Nam.

Đoàn tuần hành xuất phát từ công viên Aoyama, đi dọc theo đại lộ Roppongi và kết thúc tại công viên Mikawadai ở thủ đô Tokyo. Đoàn đã cử 5 thành viên đến trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo để đọc kháng nghị thư bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, trong đó nêu rõ sự phản đối quyết liệt đối với hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam...

Những người tuần hành đã giương cao các biểu ngữ viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật như "Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam!", "Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế", "Việt Nam quyết cùng bạn bè Nhật Bản và ASEAN giữ gìn hòa bình cho Đông Nam Á!"... nhằm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Đây là những thông điệp mà người Việt Nam tại Nhật Bản muốn gửi đến toàn thế giới khi tham gia cuộc tuần hành.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, ông Phan Hữu Duy Quốc cho rằng hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc là động thái gây hấn mới nhất sau các hành động trước đây như cắt cáp thăm dò, bắn cháy tàu cá, bắt giữ và xua đuổi ngư dân Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản rất phẫn nộ trước các hành động này của Trung Quốc.

Cuộc tuần hành cũng đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông Nhật Bản. Phóng viên các đài truyền hình NHK, ANN cùng nhiều tờ báo của Nhật Bản đã tới đưa tin, phỏng vấn người biểu tình, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của dư luận Nhật Bản tới những diễn biến căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.

* Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã ra tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Đại diện Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam (AVSE), Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), Nhóm Biển Đông tại Pháp (BDTP); Hội xây dựng, cơ học và vật liệu (GCMM), Hội Cầu đường Pháp (CDP) và các hội sinh viên Việt Nam tại Montpellier và Nantes đã nhóm họp ngày 8/5 tại Nhà Việt Nam (Foyer Vietnam) ở thủ đô Paris để phản đối hành động bất hợp pháp của Trung Quốc, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 và tàu hộ tống ra khỏi khu vực.

Tuyên bố nhấn mạnh hành động đơn phương của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa an ninh khu vực và vi phạm nguyên tắc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình. Tuyên bố có đoạn viết: "Việt Nam là nước có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với mọi hoạt động thăm dò, khai thác trong vùng này. Bất kỳ quốc gia nào muốn khai thác đều phải có sự đồng ý của Việt Nam. Vì vậy, hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Các hành động của Trung Quốc đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN năm 2002, theo đó các bên không làm căng thẳng tình hình và phải nỗ lực giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế".

Tuyên bố cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối hành động kiêu khích nguy hiểm của Trung Quốc, vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, nguyên Chủ tịch Hội BDTP và AVSE, cho biết: "Là một công dân Việt Nam sinh sống và làm việc tại Pháp, tôi nhận thấy hành động này đáng bị lên án, đây là một hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta cần phải phản đối hành động này mạnh mẽ và quyết liệt để cộng đồng quốc tế hiểu được rằng hành động của Trung Quốc không chỉ xâm hại đến chủ quyền của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an ninh, chính trị trong khu vực do không tuân thủ luật pháp quốc tế" .

Tiến sĩ Nguyễn Hoài Tưởng, Phó Chủ tịch Hội AVSE, thành viên BDTP, cũng cho rằng vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là việc làm mang tính xâm lược. Đây là điểm khác biệt so với vụ cắt cáp tàu Bình Minh II và Viking II trước đây. Vì vậy, việc người Việt Nam trên toàn thế giới phản ứng là rất tự nhiên. Việt Nam cần có sự liên kết cộng đồng để tạo thành sức mạnh ngăn chặn những hành động tương tự tiếp diễn trong thời gian tới".

* Phóng viên TTXVN tại Singapore cũng đã ghi nhận những ý kiến của cộng đồng người Việt Nam tại Singapore phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Là những người sống và làm việc ở Singapore hơn 10 năm, Tiến sĩ Đậu Văn Huân và chị Tạ Thùy Liên đều bày tỏ phẫn nộ trước hành động ngang ngược của Trung Quốc và kịch liệt phản đối hành động này. Hai anh chị cho biết cộng đồng người Việt tại Singapore và các nước luôn đồng lòng cùng đồng bào trong nước phản đối hành động của Trung Quốc thông qua các kênh khác nhau như mạng xã hội, báo chí… Những người Việt Nam tại Singapore kêu gọi cộng đồng đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ nhau và có những hành động thiết thực để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, hùng cường.

Cùng chia sẽ quan điểm trên, anh Tạ Hùng Cường, sinh viên năm cuối Học viện Kaplan, cho biết các học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Singapore sẽ cố gắng tuyên truyền để bạn bè thế giới hiểu đúng về tình hình Biển Đông, hiểu rằng người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, quý trọng độc lập dân tộc và không muốn xảy ra xung đột.

Theo TTXVN