Nhiều lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên hoạt động
Bạn đọc - Ngày đăng : 06:49, 12/05/2014
Xử lý theo kiểu "làm phép"
Thời điểm hoàn tất phá dỡ lò gạch thủ công trên địa bàn toàn thành phố được UBND TP Hà Nội ấn định trong năm 2012 song chúng tôi thật bất ngờ khi thấy hơn chục lò gạch thủ công tại vùng bãi nổi sông Hồng, thuộc xã Liên Hồng (Đan Phượng) vẫn đỏ lửa. Có mặt tại đây vào sáng ngày 9-5, chúng tôi nhận thấy hầu hết lò đã được dỡ mái, song trên diện tích rộng mênh mông của vùng bãi, hàng trăm kiêu gạch mộc vẫn tồn tại, hàng đoàn công nhân vẫn hối hả gánh gạch mộc vào lò. Nhiều ô tô tải vẫn vào, ra chở gạch thành phẩm xuống phà sang bên kia sông. Với những vỏ lò mới chỉ tháo dỡ phần mái, chỉ cần gia công thêm tấm bạt, các lò lại có thể đun, đốt gạch bình thường…
Lò gạch thủ công ở bãi nổi sông Hồng, xã Liên Hồng, vẫn hoạt động tấp nập. |
Thực hiện kế hoạch tháo dỡ lò gạch thủ công do UBND xã Liên Hồng lập ngày 28-3-2014, xã Liên Hồng đã huy động một máy xúc, một máy ủi phá dỡ lò vào ngày 24-4. Nhưng cũng chỉ 6/18 lò được tháo dỡ hoàn toàn. Chứng kiến tại thực địa vào ngày 25-4, chúng tôi nhận thấy 3 lò vẫn đang tiếp tục nhả khói, một số lò đã dừng hoạt động, một số lò đang dỡ mái và gạch mộc xếp đầy bãi. Bên cạnh đó, hàng chục thùng, vũng lớn nhỏ bị các chủ lò đào sâu nham nhở để lấy đất làm gạch. Cũng ngày hôm ấy, ông Nguyễn Minh Tuấn, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng cho biết: Quan điểm của UBND huyện Đan Phượng là yêu cầu xã Liên Hồng thực hiện đúng kế hoạch giải tỏa do xã lập và phải tháo dỡ các lò gạch thủ công xong trước ngày 30-4-2014...
Đối chiếu với kế hoạch tổ chức giải tỏa toàn bộ lò gạch thủ công xây dựng trên khu vực bãi nổi thuộc thôn Thượng Trì, xã Liên Hồng, do chính UBND xã Liên Hồng lập, chúng tôi thấy kế hoạch này khá "hoàn hảo" với nội dung: "Lò có gạch thì phá vỏ xung quanh; lò không có gạch phá toàn bộ, số gạch mộc còn lại đưa máy san ủi toàn bộ". Tuy nhiên, việc tổ chức phá dỡ của xã Liên Hồng chỉ là "làm phép" nhằm che mắt cơ quan chức năng. Có lẽ, lãnh đạo xã Liên Hồng đã "quen" với việc này bởi cuối năm 2012, xã Liên Hồng cũng đã tổ chức tháo dỡ 27 lò gạch của ông Trần Trọng Tiến, nhưng chỉ tháo mái và một phần vỏ lò nên chủ lò lại tái phạm ngay sau đó. Tiếp đó, tháng 6-2013, xã Liên Hồng cũng xây dựng kế hoạch và chỉ một số lò được dỡ…
Cán bộ cơ sở dung túng, huyện "bó tay"?
Qua tìm hiểu được biết, do diện tích vùng bãi sông Hồng của xã Liên Hồng hiệu quả canh tác thấp nên năm 1995, Ban quản trị HTX NN Liên Hồng cho một số hộ cá nhân thuê đất để trồng cây ngắn ngày. Do quản lý lỏng lẻo nên nhiều người thuê đất đã cho một số người ngoài địa phương thuê lại và những người này xây gần 30 lò thủ công để sản xuất gạch. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố và UBND huyện Đan Phượng, tính đến nay xã Liên Hồng đã 3 lần "ra quân" tháo dỡ lò thủ công nhưng vi phạm vẫn hoàn vi phạm. Trước thực trạng đó, cuối năm 2013, UBND huyện liên tục có văn bản đôn đốc, yêu cầu xã Liên Hồng phải tháo dỡ xong trước ngày 10-12-2013, nếu không hoàn thành, UBND huyện sẽ xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật Chủ tịch UBND xã theo quy định. Do Chủ tịch UBND xã Liên Hồng không hoàn thành nhiệm vụ, nên ngày 26-12-2013, UBND huyện Đan Phượng ra Văn bản số 1253/UBND - TNMT yêu cầu Chủ tịch UBND xã Liên Hồng phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra việc cho chủ lò gạch tái phạm.
Tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự bất thành của 3 lần giải tỏa, chúng tôi đã 2 lần tìm về UBND xã Liên Hồng, song rất tiếc đều không gặp được Chủ tịch UBND xã Liên Hồng; liên hệ qua điện thoại nhiều lần và cả nhắn tin… nhưng vị này vẫn không trả lời!? Mang những thắc mắc này đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng, chúng tôi nhận được sự đồng cảm của cán bộ ở đây bởi chính cán bộ của phòng này cũng bức xúc vì: "Nhiều khi chúng tôi gọi điện, Chủ tịch UBND xã Liên Hồng cũng không nghe, không cộng tác…?". Về 18 lò gạch đang tồn tại ở bãi nổi xã Liên Hồng, ông Nguyễn Đông Hiếu, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng cho biết: UBND huyện đã rất nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở cả bằng văn bản và qua điện thoại, nhưng việc tháo dỡ chỉ mang tính đối phó. Ngay cả với lần tháo dỡ này, huyện Đan Phượng chỉ đạo xã Liên Hồng phải hoàn thành xong trong tháng 4-2014, nhưng đến nay mới chỉ tháo dỡ được 6 lò, số còn lại đều chưa được tháo dỡ hoàn toàn… Xã Liên Hồng đến nay chưa báo cáo Phòng Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản kết quả tháo dỡ, nhưng vẫn xin "mồm" để các lò được đốt nốt số gạch mộc(?). Trong thời gian tới, phòng tiếp tục kiểm tra và tham mưu cho UBND huyện, nếu xã Liên Hồng không tháo dỡ triệt để sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý…
Với một thái độ làm việc thiếu trách nhiệm, mang tính đối phó, phớt lờ chỉ đạo của các cấp, dư luận đặt câu hỏi phải chăng cán bộ chính quyền sở tại đã dung túng cho các vi phạm của các chủ lò? Không lẽ, UBND huyện Đan Phượng "bó tay" trước những tồn tại nêu trên?