Hành động của Trung Quốc đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế
Đối ngoại - Ngày đăng : 05:55, 12/05/2014
Tuyên bố nêu rõ hành động đơn phương này của Trung Quốc là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc làm của Trung Quốc trái với các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam và làm cho dư luận Việt Nam cũng như khu vực và thế giới lo ngại, tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực.
Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức rút hết giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực, đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này, chấm dứt không để xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai. Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam kêu gọi dư luận yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, chấm dứt các hành động đơn phương đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.
Cách cư xử hung hăng và thiếu thận trọng Trang ngôn luận The Interpreter của Viện chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Sydney (Australia) vừa đăng ý kiến của học giả Julian Snelder cho rằng, các chính trị gia Mỹ lo ngại trước những mối đe dọa về kinh tế và chính trị do Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) gây ra. Việc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy CNOOC đang hành động với động cơ chính trị. Bài viết còn nêu rõ, với việc vây quanh giàn khoan là lực lượng gồm khoảng 80 tàu Trung Quốc, CNOOC đã thể hiện cách cư xử "hung hăng, thiếu thận trọng" mà không một doanh nghiệp thương mại tư nhân nào thực hiện. Học giả Snelder nhận định, vụ việc giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 có thể trở thành một phần quan trọng trong cuộc tranh luận về đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Australia, đặc biệt là sẽ đặt ra câu hỏi về động cơ của các doanh nghiệp thuộc Nhà nước của nước này. Chính phủ Trung Quốc cần tôn trọng chủ quyền của Việt Nam Tổng Thư ký Hội hữu nghị Anh - Việt (BVFS) Len Aldis vừa gửi thư tới Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland Lưu Hiểu Minh nhấn mạnh rằng, BVFS và nhiều nước "rất lo ngại" về hành động này cũng như việc Trung Quốc điều một số lượng lớn các loại tàu hộ tống vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam. Hành động đơn phương của Trung Quốc đã dẫn đến một số vụ va chạm, gây thiệt hại và làm một số kiểm ngư viên bị thương. Theo Tổng Thư ký BVFS, nhiều nước và tổ chức đã lên tiếng phản đối Chính phủ Trung Quốc, yêu cầu nước này rút giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này. Ông Aldis cũng bày tỏ hy vọng rằng Chính phủ Trung Quốc đáp lại lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, tôn trọng chủ quyền biển của Việt Nam. Những hành động khiến căng thẳng leo thang Phát biểu tại buổi nói chuyện về tình hình Việt Nam ở Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Mácxít Héctor P.Agosti (CEFMA) của Đảng Cộng sản Argentina ở thủ đô Buenos Aires, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư phụ trách quan hệ quốc tế Đảng cộng sản Argentina (PCA), Jorge Alberto Kreyness, đã nêu bật sự cần thiết tôn trọng nguyên tắc chung sống hòa bình, luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Trước việc Trung Quốc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam và có những hành động khiến căng thẳng leo thang, ông Kreyness bày tỏ tin tưởng các quốc gia liên quan sẽ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đình Hiệp tổng hợp |