Hình học với nghệ thuật phối cảnh (kỳ 3)

Xã hội - Ngày đăng : 06:54, 11/05/2014

Một trong số những họa sĩ có ảnh hưởng nhất thời Phục hưng là Piero Della Francesca (1420-1492). Ông đồng thời cũng là một nhà toán học người Italia.



Piero đã viết ba cuốn sách, hiện vẫn còn được lưu giữ, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kiến trúc, hội họa và toán học. Ông đã viết về các chủ đề: Luận về kiến trúc, Năm đa diện đều và Phối cảnh cho bức họa. Cuốn sách thứ nhất được viết với sự kết hợp của nhiều kiến thức toán học và được coi như giáo trình để giảng dạy. Sách bắt đầu từ số học, với việc thiết lập các tỷ lệ để tạo ra những mô hình chuẩn mực trong kiến trúc. Tiếp đến, ông dùng đại số và hình học để tìm hiểu trong không gian hình tứ diện và hình hộp chữ nhật, cùng với hình dạng mặt cắt của nó với những mặt phẳng. Cuốn sách thứ hai tìm hiểu về khối đa diện đều (chẳng hạn như hình lập phương), cùng với những mặt cắt. Đây là những kiến thức được kế thừa từ nhà khoa học cổ đại Platon và được ông tiếp tục phát triển để áp dụng vào kiến trúc, nhằm tạo ra những kết cấu bền vững cho những tòa nhà cao tầng và rộng lớn. Chính những tư tưởng này của Piero đã tạo tiền đề cho việc ra đời nhiều kiến trúc nổi tiếng. Trong cuốn sách thứ ba, khi bàn về nghệ thuật phối cảnh, ông đề xuất các kỹ thuật để làm xuất hiện chiều thứ ba trong các bức tranh cũng như trong điêu khắc, dựa trên các quy tắc của toán học và quang học. Ông đã đưa ra quan điểm tiến bộ rằng mỗi bức tranh gồm ba phần chính là đường nét, tỷ lệ và màu sắc. Không chỉ viết sách, ông còn tạo ra nhiều công trình nghệ thuật nổi tiếng về kiến trúc, hội họa và điêu khắc để thể hiện các quan điểm của ông về nghệ thuật phối cảnh.

Rất nhiều tinh hoa thời Phục hưng của những nhà khoa học đi trước đã hun đúc, hội tụ vào Leonardo da Vinci. Ông được coi là một thiên tài toàn năng người Italia ở thế kỷ XV, XVI. Ông đồng thời là một nhà triết học về tự nhiên, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà phát minh, kỹ sư, bác sĩ, nhà giải phẫu học, nhạc sĩ... Ông tái hiện bức tranh nổi tiếng Người Vitruvius theo ý tưởng của Vitruvius, người được coi là cha đẻ của kiến trúc. Đó là một bức họa chi tiết tỷ lệ những bộ phận người trên cơ thể người. Ông vận dụng các kiến thức về toán học và nghệ thuật phối cảnh của Alberti và Piero để tạo ra những bức tranh nổi tiếng. Da Vinci đã thực hiện các bản vẽ phối cảnh để minh họa cho nhiều ý tưởng trong sách của Piero. Đồng thời, ông cũng phát triển nhiều công thức toán học và nghiên cứu về quang học để áp dụng cho phối cảnh. Ông phân biệt hai loại phối cảnh là tự nhiên và nhân tạo. Đó là tái tạo bức tranh dựa trên những sự vật có thật (phối cảnh tự nhiên) và đề xuất bản vẽ cho những công trình kiến trúc trước khi xây dựng. Đây là bước tiến lớn với ngành kiến trúc, xây dựng mà ngày nay hầu hết các công trình đều phải có bản vẽ kỹ thuật để dựa vào đó thực hiện. Ông cũng đưa ra một số phương pháp xấp xỉ để giải quyết bài toán có từ thời cổ đại là cầu phương hình tròn. Trong thiên văn, ông có ý tưởng tạo ra kính thiên văn để quan sát mặt trăng rõ hơn.

Kết quả kỳ trước: Alberti là người đầu tiên viết một cuốn sách về mật mã với bảng tần số.

Kỳ này: Em nêu ví dụ về một công trình kiến trúc cổ của Việt Nam mà mái nhà có dạng mặt cắt như nghiên cứu của Piero. Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học, học mà chơi", Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo