Xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh: Bắt đầu từ gốc

Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 11/05/2014

(HNM) - Để xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cán bộ đoàn gắn với các kỹ năng tập hợp đoàn viên, thanh niên...



Đây là những nội dung được quan tâm tại nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm bàn về việc làm thế nào nâng cao chất lượng hoạt động đoàn, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh...

Năng lực của đội ngũ cán bộ đoàn là yếu tố quyết định xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh. Ảnh: Bá Hoạt


Chất lượng có tính quyết định

Trong nhiều cuộc họp, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà lưu ý đội ngũ cán bộ đoàn từ cấp quận, huyện đến cơ sở rằng, chất lượng công tác Đoàn được đánh giá trước hết là thủ lĩnh đoàn mỗi cấp phải chắc chuyên môn, có kỹ năng và tinh thần trách nhiệm, tiếp đó là chất lượng đoàn viên cũng phải có sự chọn lọc và dẫn dắt để bảo đảm hoạt động đoàn triển khai thiết thực, tránh hình thức, qua loa, nặng về mặt phong trào...

Thực tế cho thấy, ở đâu có cán bộ đoàn giỏi, tâm huyết, ở đó sẽ có đoàn viên tốt, "say" các phong trào, hoạt động của Đoàn. Bí thư Đoàn phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) Nguyễn Văn Thanh cho biết, phường Ngọc Thụy hiện có diện tích rộng gần bằng quận Ba Đình và có đến 44 chi đoàn với 160 đoàn viên gốc do Đoàn phường quản lý. Tính ra chỉ có xấp xỉ 4 đoàn viên một chi đoàn nhưng với quyết tâm không để "trắng" tổ chức Đoàn, Đoàn phường phối hợp với các chi ủy tổ chức đều đặn các hoạt động. Trong đó, mạng xã hội facebook được coi như một công cụ đắc lực, thu hút, tập hợp thanh niên và quảng bá kết quả hoạt động đoàn ở địa phương. Cụ thể là, tất cả chi đoàn tổ chức hoạt động đều đưa hình ảnh lên mạng xã hội, cuối tháng cán bộ đoàn phường tập hợp và tổng kết, trên cơ sở đó có ý kiến chỉ đạo kịp thời ngay trong các buổi giao ban hằng tháng. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không hề dễ, nếu không có một đội ngũ cán bộ đoàn tâm huyết, nhạy bén, sắc sảo.

Theo Phó Bí thư Quận đoàn Ba Đình Nguyễn Ngọc Thắng, tổ chức Đoàn muốn vững mạnh phải bắt đầu từ chất lượng của những đoàn viên. Lâu nay, chúng ta mải quan tâm đến số lượng mà quên đi chất lượng, nên ngay từ công tác bồi dưỡng đoàn viên đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ở nhiều cơ sở Đoàn, thanh niên cứ đến tuổi thì cho đi học lớp tìm hiểu Đoàn rồi về địa phương kết nạp. Nội dung học tập mới dừng ở việc nêu định nghĩa tổ chức Đoàn mà thiếu đi cơ sở thực tiễn. Hình thức đào tạo khô khan, cứng nhắc nên không thu hút được thanh niên. Kết thúc lớp học, các bài thu hoạch hầu hết mang tính hình thức, điều này dẫn đến hiện tượng rất nhiều đoàn viên không nắm được những vấn đề cơ bản nhất của tổ chức Đoàn.

Việc tổ chức, hoạt động của các cơ sở Đoàn cũng như công tác phát triển, quản lý đoàn viên và chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn có sự tác động qua lại. Cán bộ đoàn tốt mới có phong trào hoạt động hiệu quả và chất lượng đoàn viên tốt mới đem đến hoạt động đoàn thực chất. Nhưng, làm sao để bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa cán bộ đoàn và đoàn viên là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi trách nhiệm từ cả hai phía. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đoàn giai đoạn hiện nay cũng rất quan trọng...

Tháo "nút thắt" cơ chế

Bí thư Đoàn Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam Vũ Thành Công cho biết: Là cơ sở Đoàn thuộc khối công nhân viên chức, nhưng công tác đoàn của tổng công ty cũng gặp một số khó khăn, công tác xây dựng Đoàn ở một số ban chuyên môn chưa được tốt vì chưa có cơ chế cụ thể gắn với quyền và trách nhiệm của đoàn viên. Do đó, ngay cả khi tổ chức Đoàn chủ động đề xuất các chương trình hoạt động trong sản xuất kinh doanh cũng chưa được đoàn viên quan tâm thì nói gì đến các hoạt động của Đoàn...

Tương tự, tuy khác nhau về mô hình tổ chức, nhưng công tác Đoàn ở khối trường học cũng vướng về cơ chế, dẫn đến hiệu quả hạn chế. Phó Bí thư đoàn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Ngô Quý Lân cho rằng: Trong điều kiện các trường ĐH, CĐ học tập theo tín chỉ, việc sinh hoạt chi đoàn trở nên khó khăn hơn do các lớp học không còn theo bố cục cố định như trước. Vì vậy, cần có cơ chế ràng buộc để đoàn viên sinh viên dù không học tập thường xuyên tại trường nhưng vẫn phải dành thời gian đóng góp cho phong trào hoạt động Đoàn của trường. Còn ở khối quận, huyện, khó khăn gặp phải cũng một phần do cơ chế chính sách. Hiện nay, nhiều chi đoàn khu dân cư có từ 3 đến 5 đoàn viên nên rất khó tổ chức hoạt động. Thêm vào đó, nguồn kinh phí dành cho hoạt động đoàn còn eo hẹp, cơ chế đãi ngộ cán bộ đoàn hầu như không có. Cán bộ thường kiêm nhiệm công tác chuyên môn và hoạt động đoàn. Tình trạng này khiến cán bộ đoàn ở cơ sở ngày càng trở nên thiếu.

Để giải quyết những vấn đề đang đặt ra, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế mở, phát huy hơn nữa tính chủ động của cấp cơ sở nhằm xây dựng phong trào sát với tình hình thực tiễn ở địa phương. Đồng thời phải giải được bài toán "đầu ra" cho đội ngũ Bí thư đoàn xã, phường, thị trấn để họ yên tâm công tác. Và cơ chế về bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đoàn được coi là "nút thắt" cần được tháo gỡ sớm nhất, bởi đây là việc giải quyết từ gốc. Cán bộ đoàn chắc tay, mới có phong trào tốt.

Linh Nhi