Giảm hồ sơ ảo, “nóng” ngành bão hòa

Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:43, 11/05/2014

(HNM) - Những thay đổi trong quy định tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT áp dụng vừa qua đã có tác động tới việc giảm đáng kể lượng hồ sơ đăng ký, góp phần làm giảm số thí sinh ảo.

Y dược, kinh tế vẫn hút thí sinh

Bên cạnh tín hiệu đáng mừng từ việc giảm lượng hồ sơ "ảo", năm nay, các chuyên gia tuyển sinh lưu ý hiện tượng một số ngành được cho là "bão hòa" về nhu cầu nhân lực lại đang nóng trở lại. Số hồ sơ thi vào các ngành kinh tế, tài chính tăng lên so với năm ngoái, khi TS đã có dấu hiệu né những ngành mà Bộ GD-ĐT cảnh báo về tình trạng dư thừa đầu ra. Các sở GD-ĐT Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa đều cho biết các trường kinh tế vẫn nằm trong nhóm 10-20 trường được ưa thích nhất. Số hồ sơ của Hà Nội vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại có giảm so với năm ngoái, song lại tăng gấp 3 lần ở Học viện Tài chính với 6.165 hồ sơ và tăng mạnh ở Học viện Ngân hàng. Đặc biệt, Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, lần đầu tiên tuyển sinh ĐH sau khi nâng cấp từ CĐ, không chỉ là trường có nhiều hồ sơ nhất của Hà Nội với hơn 9.000 bộ, mà còn thu hút đông đảo TS các tỉnh khác. Các trường nói trên đều nằm trong top 16 trường được nhiều TS Hà Nội đăng ký. Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Ngô Văn Sự cho rằng, mặc dù có sự tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng nhưng TS Hà Nội vẫn chuộng các ngành kinh tế bởi cho rằng dễ kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Số hồ sơ đăng ký thi đại học vào các ngành kinh tế, tài chính tăng so với năm trước. Ảnh: Nhật Nam


Là một trong những địa phương có đông TS nhất, Sở GD-ĐT Thanh Hóa cũng ghi nhận năm ngoái Học viện Tài chính chỉ đứng thứ 26 thì năm nay lên vị trí thứ 5 với gần 1.600 hồ sơ, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng nằm trong top 10 với hơn 1.000 hồ sơ, tiếp đó là Trường ĐH Thương mại. Hiện tượng Học viện Tài chính được các chuyên gia tuyển sinh giải thích: Thí sinh thường nhìn vào điểm chuẩn của năm trước xem có cao hay không để đăng ký. Năm ngoái học viện chỉ có hơn 5.000 hồ sơ và điểm chuẩn thấp hơn các năm trước đó, nên năm nay TS đổ xô vào đăng ký và lượng hồ sơ lên tới 23.000. Lãnh đạo học viện đã phải lưu ý, TS nào ước chừng điểm thi đạt trên 20 thì hãy tự tin thi vào trường.

Khối trường y, dược năm nay vẫn là đích đến của nhiều hồ sơ, song dường như TS đã cân nhắc kỹ càng hơn bởi nhiều năm liên tiếp vừa qua, điểm chuẩn vào một số trường y quá cao. Trường ĐH Y Hà Nội nhận được gần 3.000 hồ sơ từ Hà Nội, giảm 1.400 hồ sơ nhưng vẫn ở vị trí thứ 15, Trường ĐH Dược có hơn 560 bộ, giảm so với 830 của năm ngoái, tiếp tục nằm trong top 30 trường ưa thích. Nhìn tổng thể các địa phương, đây vẫn là khối trường TS có học lực tốt nhắm tới. Tuy nhiên, TS các tỉnh phía Bắc có xu hướng dịch chuyển từ trường có điểm chuẩn quá cao là Trường ĐH Y Hà Nội sang Trường ĐH Y Thái Bình, Trường ĐH Y của ĐH Thái Nguyên, nên các trường này nhận được hàng nghìn hồ sơ không chỉ từ tỉnh nhà mà còn từ các địa phương khác như Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng, Nam Định.

Khó khăn cho trường CĐ, trường tuyển riêng

Năm 2014, số lượng hồ sơ tiếp tục đà giảm của nhiều năm trở lại đây khiến các trường đỡ phấp phỏng về tình trạng TS ảo quá lớn, có khi lên tới 50% như những năm trước. Giải thích cho hiện tượng này, bên cạnh nguyên do số học sinh lớp 12 giảm tự nhiên, ông Võ Tấn Long, Sở GD-ĐT Hải Phòng cho rằng, TS ngày nay đã có sự suy xét kỹ càng hơn trước khi chọn trường, chọn ngành. Lệ phí thi tăng lên cũng khiến TS cân nhắc nhiều hơn. Đặc biệt, năm nay, với quy định về xét tuyển khá "thoáng" và việc nhiều trường được tuyển sinh riêng, TS thấy có nhiều cơ hội vào ĐH nhờ xét tuyển nên không có nhu cầu nộp thêm hồ sơ để phòng xa. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Thái Bình, ông Phạm Hữu Bản thì nhấn mạnh tới việc phân luồng sau tốt nghiệp THPT đã ít nhiều có tác dụng, khi nhiều TS không thi ĐH mà tìm cách học nghề. Khối ngành sư phạm, sau những cảnh báo dư thừa nhân lực vừa qua, lượng hồ sơ cũng giảm đáng kể. Riêng ở Thanh Hóa, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương chỉ có 47 hồ sơ, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên có 21 hồ sơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có 67 hồ sơ, Trường ĐH Giáo dục (ĐH QG Hà Nội) có 22 hồ sơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 499 hồ sơ.

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi trong xét tuyển của các trường ĐH, những khó khăn trong tuyển sinh của các trường CĐ lại gia tăng với đà giảm hồ sơ. Ngoại trừ Trường CĐ Sư phạm Hà Nội năm nay vẫn giữ nguyên được vị trí trường có lượng hồ sơ lớn thứ 2 của Hà Nội một phần vì sắp nâng cấp thành ĐH, các trường CĐ khác đều có mức giảm đáng lo ngại trong bối cảnh khó khăn của các trường CĐ hiện nay. Trong top 30 trường, Trường CĐ Y tế Hà Nội giảm gần 1.000 hồ sơ, Trường CĐ Sư phạm trung ương giảm 700 hồ sơ, Trường CĐ Điện tử - điện lạnh thu 532 hồ sơ, năm ngoái là 696. Trước tình trạng này, nhiều trường CĐ đã nghĩ tới việc sang năm sẽ không tổ chức thi mà sẽ chỉ xét tuyển để đỡ tốn kém và phức tạp. Bên cạnh đó, các sở GD-ĐT đều cho biết, mặc dù năm nay có tới hơn 60 trường được tuyển sinh riêng với điều kiện không khắt khe, song số hồ sơ đăng ký tới các trường này hết sức ít ỏi.

Đến hết ngày 12-5, sau khi các tỉnh phía Nam bàn giao hồ sơ, mới có thể có những đánh giá toàn diện về hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay. Tuy nhiên, những số liệu ban đầu đã có thể phần nào cho thấy những nét chính trong xu thế tuyển sinh năm 2014.

Quỳnh Phạm