Chính trường Thái Lan: Liệu có phải “trận chiến cuối cùng”?

Thế giới - Ngày đăng : 05:46, 11/05/2014

(HNM) - Giữa lúc dư luận cả khu vực đổ dồn về Biển Đông vì những hành động ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 trái phép vào vùng biển của Việt Nam, cuộc khủng hoảng trên chính trường Thái Lan cũng làm nóng khu vực Đông Nam Á.



Sự kiện Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 7-5 ra phán quyết cách chức Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra cùng 9 thành viên nội các, với cáo buộc lạm quyền và vi phạm hiến pháp, đang châm ngòi cho những bất ổn mới trên chính trường đất nước Chùa Vàng.

Lực lượng biểu tình chống đối chính phủ tham gia “trận chiến cuối cùng” tại Bangkok.


Tình hình trở nên phức tạp hơn khi ngày 10-5, lực lượng "áo đỏ" ủng hộ chính phủ bắt đầu tập trung tại Bangkok nhằm thách thức nỗ lực của những người biểu tình đối lập đòi thiết lập một chế độ không qua bầu cử sau khi bà Yingluck bị phế truất. Khoảng 3.000 cảnh sát đã được huy động để đối phó với cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ ở khu ngoại ô phía tây Bangkok khi lực lượng "áo đỏ" tuyên bố sẽ duy trì các cuộc biểu tình chừng nào còn cần thiết để bảo vệ chính quyền. Trong khi đó, chiến dịch biểu tình của những người chống đối chính phủ được gọi là "trận chiến cuối cùng" vẫn tiếp diễn khi hàng trăm người tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội, văn phòng thủ tướng và 5 đài truyền hình nhằm ngăn cản chính phủ không thể sử dụng các tòa nhà này.

Động thái trên diễn ra sau khi khoảng 4.500 người biểu tình phản đối chính phủ đã rời nơi cắm trại chính ở Công viên Lumpini tại thủ đô Bangkok sau khi thủ lĩnh phe biểu tình Suthep Thaugsuban kêu gọi tụ tập nhằm thành lập một chính phủ riêng. Với lập luận việc Thủ tướng tạm quyền Yingluck bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm là chưa đủ, những người biểu tình chống đối cho rằng đảng Vì nước Thái cầm quyền tiếp tục điều hành chính phủ lâm thời để triển khai cuộc bầu cử vào ngày 20-7 tới là không thể chấp nhận được. Mục tiêu quan trọng mà những người biểu tình chống chính phủ nhắm tới là trì hoãn cuộc bầu cử này, thúc đẩy cải cách nhằm chấm dứt ảnh hưởng của chế độ Thaksin ở Thái Lan. Không dừng lại ở đó, những người biểu tình còn cảnh báo sẽ có hành động nếu những yêu sách của họ đòi cách chức toàn bộ chính phủ đương nhiệm không được đáp ứng trong vòng 3 ngày tới.

Song, đó chưa phải là tất cả những gì diễn ra trên chính trường Thái Lan hiện nay. Một trong những tâm điểm chú ý của dư luận là tương lai chính trị của nữ Thủ tướng vừa bị cách chức Yingluck sẽ ra sao? Các cuộc biểu tình trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi Thượng viện Thái Lan bỏ phiếu bầu ông Surachai Liangboonlertchai làm chủ tịch mới của cơ quan này, thay thế ông Nikom Wairatpanich - người đã bị đình chỉ chức vụ với cáo buộc ủng hộ chính phủ của bà Yingluck. Ông Surachai được bầu làm Chủ tịch Thượng viện vào thời điểm cơ quan này có thể sẽ nhận được báo cáo của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) về việc buộc tội cựu Thủ tướng Yingluck vào tuần tới. Thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu có luận tội thủ tướng bị phế truất này hay không. Theo cáo buộc của NACC, bà Yingluck đã phớt lờ tình trạng tham nhũng trong quá trình triển khai chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân trên toàn quốc kể từ vài năm trước. Nếu bị Thượng viện luận tội, cựu Thủ tướng sẽ bị cấm tham gia chính trường trong 5 năm.

Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cuộc khủng hoảng chưa lối thoát trên chính trường Thái Lan không chỉ làm mất đi hình ảnh thân thiện của đất nước du lịch mà còn tác động đến cả sự ổn định của khu vực khi mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 đang đến gần. Vì thế, làm thế nào để đưa tình hình Thái Lan sớm trở lại ổn định sẽ là mối quan tâm chung của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar trong hai ngày 10 và 11-5. Không chỉ ASEAN, một loạt quốc gia trên thế giới cũng đã lên tiếng kêu gọi các bên ở Thái Lan kiềm chế bạo lực sau phán quyết của tòa án, giải quyết căng thẳng chính trị một cách hòa bình và dân chủ để người dân có thể chọn ra ban lãnh đạo xứng đáng.

Việc nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck bị Tòa án Hiến pháp phế truất đang đặt nền chính trị đất nước Chùa Vàng trước một bước ngoặt bản lề hết sức quan trọng. Sự "lên ngôi" của Tòa án Hiến pháp liệu có giúp Thái Lan thoát khỏi cái vòng biểu tình - đảo chính triền miên không đang là câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Thế nhưng có một điều mà ai cũng thấy rõ là sự chia rẽ, bất đồng sâu sắc ngày một lan rộng trong lòng dân tộc Thái Lan. Đây sẽ là thách thức không dễ vượt qua với bất cứ nhà lãnh đạo nào của Thái Lan lên nắm quyền trong bối cảnh hiện nay.

Đình Hiệp