Sẽ có "trần" giá sữa
Kinh tế - Ngày đăng : 07:14, 10/05/2014
Theo công bố về kết quả thanh tra tại 5 công ty sản xuất, kinh doanh sữa do Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương thực hiện, cả 5 DN này đều vi phạm. Những cái tên đã được hầu hết người tiêu dùng ưa chuộng và lựa chọn như các công ty: TNHH Dinh dưỡng 3A (Việt Nam), cổ phần (CP) Sữa Việt Nam, TNHH Nestle Việt Nam, TNHH Friesland Campina Việt Nam và TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) đều tự điều chỉnh giá tự do mà không tính đến quyền lợi của người tiêu dùng. Trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, các công ty đều điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, không có công ty nào giảm giá. Cụ thể, năm 2013 có 4 công ty tăng giá 1 lần và Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) tăng giá 2 lần, trong đó mặt hàng tăng thấp nhất là 2,4%, cao nhất 30,668%. Riêng 3 tháng đầu năm nay, Công ty CP Sữa Việt Nam tăng giá 5/32 sản phẩm với mức tăng 7-14%; Công ty TNHH Nestle Việt Nam tăng giá 11/24 sản phẩm, mức tăng 5-9%. Hình thức hoạt động của 3/5 công ty trên là nhập khẩu sữa thành phẩm để phân phối, còn lại là nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước.
Sữa là loại thực phẩm khó có thể thay thế đối với trẻ dưới 6 tuổi, nên hầu hết gia đình có trẻ em đều phải mua mặt hàng này, bởi vậy nếu tăng giá một cách tự do sẽ đẩy người tiêu dùng vào khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua, các DN sữa tự ý điều chỉnh giá mặt hàng này "leo thang" liên tiếp đã khiến người tiêu dùng đều bức xúc. Mặc dù ngành chức năng đã đưa ra mức phạt đối với việc các DN tự ý đẩy giá sữa, nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu mức phạt này có đủ sức răn đe với các DN?
Theo công bố của Bộ Tài chính, mức xử phạt vi phạm hành chính về giá với Công ty TNHH Nestle Việt Nam do trong năm 2013 đã kê khai thiếu 3/24 sản phẩm sữa là 45 triệu đồng. Bộ cũng yêu cầu 5 DN thực hiện nghiêm các quy định về kê khai giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các công ty trên cần thực hiện ngay việc rà soát, tiết kiệm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị đã chi vượt mức quy định cho các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại 4/5 công ty với số tiền hơn 386 tỷ đồng, làm tăng giá thành, tăng giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, tương ứng 2,18-16,39%. Trong đó, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A chi vượt mức 69 tỷ đồng; Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition chi vượt 249 tỷ đồng; Công ty TNHH Nestle: 67 tỷ đồng; Công ty TNHH Friesland Campina: 817 triệu đồng… Ngoài ra, những thông tin về việc 5 DN này kê khai thiếu thuế phải nộp ngân sách nhà nước năm 2013 cũng được công bố, với số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Để giá sữa không "tự" tăng tốc như trước, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP nhằm thống nhất chủ trương áp dụng biện pháp bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đề nghị của Bộ Tài chính. Cụ thể, thực hiện quản lý giá tối đa theo quy định tại khoản 7, Điều 17 của Luật Giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày công bố quyết định bình ổn giá. Chi tiết của khoản 7, Điều 17 ở Luật Giá là: Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ theo các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp quy định. Tức là Bộ Tài chính có quyền áp dụng giá "trần" cho các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, Bộ đã tổng hợp thông tin, số liệu mới nhất làm cơ sở để xác định giá bán tối đa. Các xác định này được thực hiện đối với một số sản phẩm chuẩn, từ đó hình thành phương pháp xác định giá tối đa đối với các sản phẩm còn lại. Sau đó, Bộ sẽ ban hành quyết định công bố giá bán tối đa và thực hiện việc đăng ký giá đối với sản phẩm.
Chị Minh Hà (ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên, Hà Nội): Thời gian trước, giá sữa tăng chóng mặt khiến người tiêu dùng trở tay không kịp. Tôi có con bé nên thường xuyên phải mua mặt hàng này với mức chi không nhỏ và cứ tăng dần theo thời gian. Hy vọng, khi ngành chức năng yêu cầu các DN áp dụng tuân thủ theo mức quy định, giá sữa sẽ không "leo thang" như trước. Chị Thùy Linh (phố Hai Bà Trưng, Hà Nội): Mặc dù đây được coi là biện pháp "mạnh tay" của ngành chức năng, nhưng đã đến lúc sữa cũng cần phải có giá "trần" như kiểu Ngân hàng Nhà nước áp dụng "trần" lãi suất để các ngân hàng không có cơ hội "chạy đua", gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng. |