Tín hiệu lạc quan của nền kinh tế Indonesia

Thế giới - Ngày đăng : 07:01, 10/05/2014

(HNM) - Bất chấp những tác động do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Indonesia vẫn đạt được những thành tựu lạc quan với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 3 năm qua hơn 6%/năm.


Theo công bố ngày 6-5 vừa qua của Ngân hàng Thế giới (WB), Indonesia đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP), sau Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Nga, Brazil, Pháp và Anh. Tuy nhiên nếu tính tổng GDP, Indonesia chỉ đứng thứ 16 thế giới với 1.223 tỷ USD.


Với lợi thế là nền kinh tế lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Indonesia có thể vươn lên vị trí thứ 5 trên thế giới tính theo PPP vào năm 2020. Nhưng để đạt mục tiêu này, Chính phủ Indonesia cần tiến hành cải cách tài chính, ngăn chặn nạn quan liêu, xóa bỏ chênh lệch thu nhập và mở cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài. Một số ý kiến khác cho rằng, Indonesia nên tập trung vào chế tạo và nông nghiệp, vốn là hai lĩnh vực có thế mạnh và cạnh tranh cao để thu hút lao động nhiều hơn, tăng thu nhập bình quân đầu người và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Trong một phát biểu gần đây, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Hatta Rajasa cho biết, ông rất lạc quan về triển vọng nước này sẽ đạt mục tiêu thu hút 38 tỷ USD vốn đầu tư năm 2014, trong bối cảnh chi cho tiêu dùng đang tăng lên. Bộ trưởng Hattan cũng tỏ ý tin tưởng rằng, những số liệu thương mại và đầu tư tích cực có thể giúp Indonesia tạo thêm nhiều việc làm khi kinh tế tăng trưởng nhanh hơn. Bộ Thương mại Indonesia dự đoán kim ngạch xuất khẩu của quốc gia sẽ tăng 4,1% (lên 190 tỷ USD) trong năm 2014. Cũng bởi Indonesia là nước xuất khẩu quặng niken, than đá và thiếc tinh chế lớn và cũng là nhà cung cấp dầu cọ hàng đầu trên thế giới.

Những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế Indonesia được đưa ra trong bối cảnh nước này vừa trải qua cuộc bầu cử Quốc hội và đang chuẩn bị cho bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 7 tới. Thế nhưng, theo nhận định của WB, khoảng cách giàu nghèo ở xứ Vạn đảo - quốc gia đông dân thứ tư thế giới - ngày một nới rộng đang đe dọa mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono trước khi ông mãn nhiệm sau hai nhiệm kỳ 5 năm cầm quyền. Tình trạng này nếu không được cải thiện sẽ kiềm chế sự tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia khi tiêu dùng của một nửa số người nghèo nhất đã bị đình trệ trong năm 2013. Theo WB, hệ số Gini của Indonesia - một chỉ số về bất bình đẳng thu nhập - đã tăng từ 0,35 điểm năm 2005 (một năm sau khi ông Yudhoyono đắc cử tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên trong cuộc bầu cử năm 2004) lên 0,41 năm 2012 (hai năm trước khi ông Yudhoyono kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

Mặc dù đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới tính theo PPP, nhưng báo cáo mới nhất của WB vẫn cảnh báo rằng, Indonesia đang đối mặt với bẫy "thu nhập trung bình" khi chi tiêu của một nửa số người nghèo nhất không những không tăng, thậm chí còn giảm trong giai đoạn 2012-2013, so với mức tăng 4% của toàn bộ dân số và mức tăng trung bình 7% của nhóm 20% những người giàu nhất. Theo cơ quan thống kê quốc gia Indonesia (BPS), số người dân Indonesia sống dưới mức chuẩn nghèo của Chính phủ đã tăng nửa triệu người trong 6 tháng, tính đến tháng 9-2013, lên 28,55 triệu người, tương đương 11,5% tổng dân số. Như vậy, mục tiêu giảm tỷ lệ người nghèo của Tổng thống Yudhoyono, từ 14% xuống 8-10% trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai đã không đạt được. Vì thế, cải thiện bình đẳng thu nhập vẫn là thách thức lớn khi sự chênh lệch về thu nhập có thể làm cho nền kinh tế Indonesia nhạy cảm hơn với các cú sốc bên ngoài.

Minh Tuấn