Cuộc khủng hoảng Ukraine: Vẫn chưa tìm ra lối thoát

Thế giới - Ngày đăng : 06:37, 10/05/2014

(HNM) - Khi lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych cách đây 3 tháng, nhiều người dân miền Tây Ukraine đã từng hy vọng sẽ sớm đạt được một bước ngoặt hướng tới tự do, dân chủ và thịnh vượng.

Căng thẳng ở miền Đông Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.


Đến thời điểm này, đã gần hai tuần kể từ khi Chính phủ tạm quyền Ukraine mở "chiến dịch chống khủng bố" quy mô lớn tại các tỉnh miền Đông nhằm vào chính những người dân đang thực hiện cách mà giới cầm quyền tại Kiev đã làm để lên nắm quyền, tình hình tại Donetsk, Luhansk vẫn diễn biến phức tạp. Căng thẳng có dấu hiệu gia tăng khi chỉ 24 giờ tới, hai khu vực này sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Ukraine. Tình trạng bế tắc khó có thể hóa giải cho dù ngày 9-5, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchynov và Thủ tướng tạm quyền Arseni Yaseniuk đã đưa ra "sáng kiến" tổ chức một "Hội nghị bàn tròn thống nhất dân tộc". Theo đề xuất được đưa ra trong một tuyên bố chung, hội nghị bàn tròn sẽ thảo luận những nguyện vọng cấp thiết của các khu vực, vốn đang gây ra những bất đồng sâu sắc hiện nay trong xã hội như phân cấp quyền lực, cải cách chính quyền địa phương, bảo đảm thế cân bằng giữa các nhánh quyền lực, bảo vệ quyền của dân tộc ít người, cải cách quan hệ pháp lý giữa nhà nước và xã hội, cải cách hệ thống tòa án và bảo vệ pháp luật. Giới lãnh đạo tạm quyền Ukraine cũng khẳng định lắng nghe kinh nghiệm của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên có mục đích chính trị chính đáng và sẵn sàng bảo vệ mục đích đó bằng con đường hợp pháp. Các thỏa thuận được đưa ra trong đối thoại sẽ được Quốc hội triển khai vào cuộc sống gồm cả việc thông qua sửa đổi Hiến pháp và pháp luật Ukraine.

Thế nhưng, theo các nhà phân tích, nỗ lực hòa giải dân tộc của chính phủ tạm quyền Ukraine khó đạt được kết quả khi Kiev không dừng chiến dịch quân sự tại miền Đông. Dù trong ngày 9-5, các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng ủng hộ ly khai đã tạm lắng, song, vòng vây của các binh lính Ukraine vẫn tiếp tục khép chặt quanh Donetsk, Luhansk, báo hiệu một cuộc đụng độ nghiêm trọng có thể xảy ra.

Trong khi đó, cuộc đối đầu Đông - Tây xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Ngày 9-5, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mátxcơva đã mở rộng danh sách các quan chức Mỹ và Canada bị cấm nhập cảnh vào xứ Bạch dương để "trả miếng" các lệnh trừng phạt mà hai nước trên áp đặt với Nga hồi tháng trước. Trong khi đó, các ngoại trưởng Liên minh Châu Âu (EU) sẽ nhóm họp vào ngày 12-5 tới để quyết định khả năng đưa cả các công ty Nga, không chỉ cá nhân, vào danh sách trừng phạt của EU. Những diễn biến này có thể làm trầm trọng hơn quan hệ Nga - phương Tây trong thời gian tới và có thể khiến cuộc đàm phán giữa các bên bị đóng băng. Nhất là khi giải pháp trước đây được cho là có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine là mô hình liên bang hóa do Nga đề xuất đã bị bác bỏ. Kiev và các nước phương Tây cho rằng, thành lập một nhà nước liên bang sẽ khiến xu hướng muốn sáp nhập vào Nga tại các khu vực miền Đông mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, theo phía Nga, một nhà nước Ukraine Liên bang lại là một giải pháp tốt. Vì Nga cho rằng, mô hình này phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân Ukraine, bởi sẽ đem đến cho các vùng khác nhau của nước này thêm nhiều quyền chủ động về nhiều lĩnh vực.

Với bối cảnh như hiện nay hẳn "ván cờ" Đông - Tây ở Ukraine còn lâu mới đến hồi chung cuộc. Các cuộc đàm phán nếu có diễn ra được như dự báo cũng sẽ chỉ mở ra một giải pháp ngoại giao tiếp theo. Bởi, với vị trí địa - chính trị đặc biệt và những lợi ích địa - chiến lược của Ukraine thì các cường quốc khó lòng đạt ngay được một thỏa thuận giải quyết cuộc khủng hoảng tại đây trong một sớm một chiều.

Phương Quỳnh