Cẩn trọng không thừa
Xã hội - Ngày đăng : 07:05, 09/05/2014
Mô hình hệ thống ga tàu điện ngầm tuyến Metro số 2. |
Dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Metro 2) có chiều dài 11,3km đi qua địa bàn các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú có đoạn đi ngầm dài 9,3km, độ sâu trung bình 18m, chiều rộng ảnh hưởng trên mặt đất trung bình 26m. Trong đó ngành chức năng sẽ xây dựng 10 ga tàu điện ngầm, mỗi ga rộng 36-49m2, bố trí 2 tầng sảnh. Tầng 1 là khu vực bán vé, khu thương mại, các phòng chức năng, hệ thống thông gió và điều hòa không khí. Tầng 2 bố trí hệ thống bơm nước thải, thông gió, điều hòa không khí, cầu thang bộ, kết hợp thang cuốn, thang máy dành cho người khuyết tật…
Theo tiến độ dự kiến thì giai đoạn 2012-2013 ngành chức năng thành phố phải hoàn thành phần thiết kế nền tảng và đấu thầu toàn bộ dự án tuyến Metro 2 (bao gồm cả hệ thống ga điện ngầm). Giai đoạn 2014-2017 sẽ phải thiết kế kỹ thuật và thi công để cuối năm 2018 đưa vào khai thác. Tuy nhiên đến thời điểm này, theo Ban quản lý Đường sắt đô thị thành phố, khâu thiết kế dự án tuyến Metro 2 (gồm cả ga ngầm) đã chậm tiến độ 4 tháng.
Nguyên nhân chậm tiến độ thì có nhiều nhưng dư luận lại cho rằng, với dự án quan trọng như tuyến Metro 2 và đặc biệt hệ thống ga tàu điện ngầm đầu tiên và sẽ là nền tảng sau này, việc chậm tiến độ lại là cần thiết, bởi phương án thiết kế còn nhiều bất cập.
Cụ thể, thiết kế nền tảng của dự án do Liên danh Metro Team Line 2 thực hiện vẫn chưa đạt đồng thuận cao. Nhiều ý kiến không đồng tình việc tích hợp tháp thông gió, hệ thống làm mát với lối lên xuống dẫn đến mỗi nhà ga (có 4 khối công trình rộng 5,5m, dài 40-50m), bởi ảnh hưởng đến kinh doanh, sinh hoạt và mỹ quan đô thị. Để khắc phục, đơn vị thiết kế đưa ra 2 phương án khác như thu hẹp nhà ga hoặc tích hợp các nhà ga hiện hữu. Tuy nhiên, PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng vẫn băn khoăn về vấn đề làm sao kết nối tổng thể toàn bộ các nhà ga trên tuyến. "Đặc biệt, tư vấn đang quên mất đi việc đánh giá tác động đối với việc đi lại cũng như sinh hoạt của hàng triệu người dân dọc tuyến Metro đi qua, nhất là các điểm giao cắt sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình đi lại", PGS.TS Hải nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng thành phố cho rằng, theo thiết kế thì các tuyến đường quy hoạch cho Metro chỉ trừ lại mặt đường rộng 1,3m để người dân đi lại (trong khi theo thiết kế nền tảng là 25m), không đủ diện tích để lưu thông. "Có thể giảm diện tích các lối lên xuống kết nối với tuyến Metro hay tách cầu thang cuốn với cầu thang bộ... để giảm diện tích và tăng chiều rộng mặt đường để người dân đi lại thuận lợi", ông Trường đưa ra giải pháp.
Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Quang Phích, Chủ tịch Hội công trình ngầm Việt Nam cho rằng, việc mỗi nhà ga chỉ khoan 2 lỗ để thăm dò địa chất là quá ít và không thể đánh giá chính xác tác động địa chất đối với công trình quan trọng bậc nhất của hệ thống giao thông công cộng. Bà Dương Thị Khuê Anh, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) thì cho rằng, cơ bản các phương án thiết kế trên sẽ làm thay đổi thiết kế nền tảng và như thế sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí thực hiện dự án. Hơn nữa, đơn vị tư vấn thiết kế cho công trình đưa ra các phương án mang nhiều định tính hơn là định lượng…
Với bộn bề băn khoăn như trên, thiết nghĩ việc chậm lại tiến độ dự án quan trọng này để xem xét thật thấu đáo phương án thiết kế là vô cùng cần thiết.