Xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố thông minh”: Những thách thức không nhỏ
Công nghệ - Ngày đăng : 06:10, 09/05/2014
"Thành phố thông minh" có thể hiểu nôm na là thành phố sử dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại kết hợp với quy hoạch bởi trí tuệ mang lại cho người dân môi trường sinh hoạt an toàn, mạnh khỏe, tiết kiệm với các nhu cầu về ăn, ở, đi lại, giáo dục, giải trí. Trên thế giới, tiêu chí "Thành phố thông minh" được dựa trên 6 yếu tố gồm: Nền kinh tế thông minh (năng lực cạnh tranh), vận động thông minh (giao thông - vận tải), cư dân thông minh (xã hội và nhân lực), môi trường thông minh (tài nguyên tự nhiên), quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh (chất lượng cuộc sống). Được biết, một số thành phố, thủ đô trên thế giới xây dựng thành phố thông minh đã thành công trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) khi triển khai các ứng dụng các hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu (còn gọi là hệ thống ESCADA), ứng dụng quản lý giao thông và trị an, quản lý môi trường... Ở Việt Nam, Đà Nẵng đã công bố xây dựng thành phố thông minh hơn từ giữa năm 2012. Đà Nẵng cũng là 1 trong 33 thành phố trên thế giới được Tập đoàn IBM tài trợ để triển khai xây dựng "Thành phố thông minh", trong đó IBM hỗ trợ, tư vấn thành phố này ứng dụng CNTT để quản lý các lĩnh vực nguồn nước, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông. Trong vòng 5-10 năm tới, Đà Nẵng sẽ trở thành một thành phố thông minh mà ở đây các nguồn lực, tài nguyên như đất, biển, nước sạch… được quản lý và khai thác dựa trên ứng dụng CNTT hiệu quả.
Vậy, với Hà Nội sẽ lựa chọn tiêu chí nào để xây dựng thành phố thông minh? Những năm gần đây, thành phố đã đầu tư mạnh về xây dựng hạ tầng CNTT cũng như ứng dụng phần mềm trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, do vậy vài ba năm nay Hà Nội đứng thứ 2 về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, do có diện tích quá rộng, dân cư đông (gồm 7 triệu dân và khoảng 2 triệu người các địa phương khác về sinh sống), trình độ dân trí không đồng đều, có thể thấy không ít những thách thức đặt ra với Hà Nội khi triển khai các chương trình, nhiệm vụ, nhất là với các ứng dụng CNTT. Ví dụ, ở lĩnh vực giao thông, hạ tầng giao thông công cộng còn lạc hậu, còn tình trạng ùn tắc giao thông, vỉa hè lộn xộn trong khi ý thức chấp hành luật giao thông kém. Lĩnh vực y tế thì đa số bệnh viện quá tải, hạ tầng ICT trong bệnh viện lạc hậu. Trong lĩnh vực giáo dục, hạ tầng ICT cũng chưa hỗ trợ hiệu quả và bị coi là tụt hậu so với khu vực. Với thực trạng này, theo các chuyên gia, Hà Nội nên chia ra làm 3 giai đoạn từ nay cho đến năm 2020 (2014-2015, 2016-2017, 2018-2020) để triển khai mục tiêu trở thành "Thành phố thông minh". Để triển khai đề án, Hà Nội dựa trên 5 tiêu chí: xây dựng hạ tầng ICT, cải thiện hệ thống giao thông, phát triển môi trường giáo dục, cải tiến môi trường năng lượng xanh, tích hợp sức mạnh y tế. Cụ thể, Hà Nội nên xây dựng thêm mạng lưới không dây khắp thành phố (có cả các điểm wifi miễn phí) giúp cơ quan quản lý nắm được tình hình trị an hằng ngày, kịp thời thu thập xử lý thông tin giao thông để có biện pháp ứng cứu kịp thời; ngược lại, người dân có thể tra cứu thông tin để lựa chọn phương tiện giao thông, hướng đi lại, địa điểm du lịch hoặc tra cứu sử dụng các dịch vụ y tế. Hoặc Hà Nội sẽ ứng dụng công nghệ để quản lý năng lượng thể hiện bằng kiểm soát dòng chảy sông hồ, chất lượng không khí, phát triển các chương trình năng lượng xanh tái tạo như xe điện, quản lý năng lượng trong các tòa nhà...
Được biết, với vai trò là cơ quan chủ trì đề án, Sở TT-TT đang cùng đơn vị tư vấn hoàn thành đề án và sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan trước khi trình UBND thành phố. Hy vọng, đề án sẽ tiếp tục thúc đẩy ứng dụng ICT vào cuộc sống nhằm mang lại cuộc sống tiện ích cho người dân.