Kiên quyết giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc
Chính trị - Ngày đăng : 05:53, 09/05/2014
Hải Dương - 981 trái phép trên vùng biển thềm lục địa Việt Nam những ngày qua và tàu Trung Quốc ngang nhiên đâm vào 2 tàu của lực lượng Cảnh sát biển trong lúc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển, chiều 8-5, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xung quanh vấn đề này.
Đại tá Ngô Ngọc Thu trong cuộc họp báo quốc tế chiều 7-5. Ảnh: Zing |
- Xin ông cho biết tình hình diễn biến vụ việc những ngày qua?
- Ngày 1-5, các tàu của Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì phát hiện giàn khoan Hải Dương - 981 và lực lượng bảo vệ của Trung Quốc cơ động từ phía Bắc xuống hạ đặt khoan thăm dò, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Trong khi các tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam tiến hành tuyên truyền, ngăn cản hành vi vi phạm chủ quyền thì Trung Quốc vẫn tiếp tục có nhiều hành động vi phạm, đồng thời tăng cường lực lượng bảo vệ nhằm đạt mục đích hạ giàn khoan để khoan thăm dò. Các tàu bảo vệ của Trung Quốc được sự yểm hộ của máy bay và có hành động như dùng vòi rồng công suất lớn phun nước, chủ động đâm thẳng vào các tàu của Việt Nam, làm cho 2 tàu của Cảnh sát biển Việt Nam là CSB 4033 và CSB 2012 bị thủng mạn tàu. Theo thống kê của chúng tôi, đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc đã huy động một lực lượng lớn, khoảng 80 tàu thuyền các loại để bảo vệ và phục vụ giàn khoan Hải Dương - 981, trong đó có cả các tàu quân sự gồm tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tấn công nhanh 752, 753… cùng hàng chục tàu hải giám, hải cảnh, ngư chính, vận tải, tàu cá và các loại tàu khác.
- Vậy lực lượng Cảnh sát biển đã vào cuộc nhằm ngăn cản việc làm sai trái của phía Trung Quốc như thế nào?
- Ngay lập tức, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tăng cường lực lượng, huy động 8 tàu Cảnh sát biển ra làm nhiệm vụ tại khu vực, hiện nay 2 tàu Cảnh sát biển 4033 và 2012 bị Trung Quốc đâm đã được đưa về bờ để sửa chữa. Ngoài ra, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm ngư để cùng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
- Sau cuộc họp báo quốc tế ngày hôm qua của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tình hình trên biển ngày 8-5 có diễn biến mới nào không, thưa ông?
- Sau khi Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế và các nước đã lên tiếng, ngày hôm nay, tình hình chưa có gì mới. Dù vậy, chúng tôi đã quán triệt cán bộ, chiến sĩ đang thực thi nhiệm vụ phải kiên trì, kiềm chế trước hành động khiêu khích của các tàu Trung Quốc và sẽ tiếp tục đấu tranh kiên quyết để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
- Phương châm của Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực. Vậy trước thái độ khiêu khích của Trung Quốc những ngày qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã quán triệt tinh thần này đến cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ như thế nào, thưa ông?
- Không phải chỉ đến khi xảy ra vụ việc chúng tôi mới quán triệt tinh thần này cho anh em cán bộ, chiến sĩ mà xuyên suốt trong tư tưởng chỉ đạo của Bộ Tư lệnh là: "Chủ động, bình tĩnh, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, không để xảy ra xung đột, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, dũng cảm, mưu trí, linh hoạt vừa giữ vững được chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc vừa giữ vững môi trường ổn định, hòa bình trong khu vực". Nhờ giáo dục, quán triệt tốt nên những ngày qua, bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ trên các tàu rất tốt, kiên quyết bám trụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!