Phòng, chống dịch bệnh mùa hè
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:40, 08/05/2014
Vệ sinh cá nhân để phòng bệnh. Ảnh minh họa |
Tại buổi thông tin báo chí về phòng, chống dịch bệnh mùa hè do Bộ Y tế tổ chức chiều 8/5, GS.TS Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 8.137 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại 41 tỉnh, thành phố; trong đó 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, TP HCM, Cà Mau và Bình Phước. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc giảm 38,8%, số tử vong giảm 6 trường hợp. Số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam, chiếm 83,8%; có 18 tỉnh, thành phố đã ghi nhận trên 100 tường hợp mắc sốt xuất huyết, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An.
Với bệnh tay chân miệng, bệnh này bắt đầu ghi nhận ở nước ta từ năm 2005 nhưng số mắc tăng cao chủ yếu từ năm 2011 với số ca hàng năm khoảng 100-150 nghìn trường hợp. Từ đầu năm đến nay cả nước đã có 18.659 trường hợp mắc tại hầu hết các tỉnh trên cả nước, ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu là các tỉnh tại khu vực miền Nam với tác nhân gây bệnh là EV71. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2013 số mắc giảm 21%, số tử vong giảm 5 trường hợp và so với cùng kỳ năm 2012 số mắc giảm 57%, số tử vong giảm 20 trường hợp nhưng bệnh tay chân miệng trong năm 2014 vẫn có số mắc cao và tập trung ở khu vực miền Nam với 15.024 trường hợp (chiếm 80,5% số mắc cả nước).
5 tỉnh có số mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ 2013 là Tp Hồ Chí Minh tăng 34,9%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 20,6%, Cà Mau tăng 15,3%, Kon Tum tăng 52,4%.
Về bệnh thủy đậu, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 16.380 trường hợp mắc tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, không ghi nhận tử vong, số mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ 2013 (7.900 trường hợp mắc), vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2008 - năm có dịch thủy đậu (22.821 trường hợp mắc). Một số tỉnh có số mắc cao trong 3 tháng 2014 là: Hà Nội (869), Khánh Hòa (851), Đà Nẵng (771), Bà Rịa - Vũng Tàu (769), Nghệ An (669). Đây là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, hầu hết bệnh ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên nếu như không kịp thời phát hiện, cách ly các trường hợp mắc bệnh thì virus sẽ rất dễ phát tán và lây sang người khác qua dịch miệng, mắt, mũi.
Đáng chú ý, hiện cả nước đã có 15 ca tử vong do bệnh dại tại 10 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. So với cùng kỳ 2013 số tử vong do dại giảm 11 trường hợp. Theo nhận định, bệnh này có thể gia tăng vào mùa hè do sự tăng các ổ dịch dại trên đàn chó trong thời gian này…
Điều đáng lo ngại là hiện bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng.
Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, trước việc gia tăng các dịch bệnh, Bộ Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị tốt công tác thu dung, điều trị, cách ly người bệnh nhằm tránh lây nhiễm chéo để hạn chế thấp nhất trường hợp mắc và tử vong.
Cục trưởng Cục y tế Dự phòng cho rằng, để hạn chế các dịch bệnh, nỗ lực của ngành y tế là chưa đủ mà cần có sự tham gia tích cực của người dân. Vì vậy, người dân cần tiêm chủng đối với những bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng, còn với những bệnh chưa có vắc xin, cần vệ sinh sạch sẽ môi trường và thực hiện đầy đủ khuyến cáo của Bộ Y tế. Cụ thể, với bệnh sốt xuất huyết, cần diệt bọ gậy/lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi. Chú ý là muỗi hay sinh sản ở bể nước, các dụng cụ chứa nước như lọ hoa có nước, vỏ lon, vỏ hộp chứa nước... Với bệnh tay chân miệng, cần thường xuyên rửa tay và nhắc trẻ rửa tay với xà phòng diệt khuẩn sau khi chơi đùa, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi tắm; vệ sinh nhà cửa, vật dụng bằng chất diệt khuẩn định kỳ mỗi tuần một lần.