Vắng người theo sát từng vở diễn
Văn hóa - Ngày đăng : 06:37, 08/05/2014
Người con của đất Tam Nông (Tiên Lữ, Hưng Yên) có tên thật là Chu Văn Tập. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước nên đã tham gia hoạt động cách mạng khi mới 12 tuổi. Suốt cuộc đời ông giữ nhiều cương vị quan trọng của đất nước như Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên, phụ trách Đoàn văn công TƯ, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, song viết văn, viết kịch bản, theo sát những vở diễn vẫn là nghiệp chính mà chưa thời điểm nào ông ngừng quan tâm.
Học Phi viết văn từ năm 1936; năm 1944, ông viết kịch bản sân khấu với vở đầu tay là "Đào Nương" sau này được viết lại lấy tên "Người kỹ nữ ở Đông Quan". Rồi lần lượt các vở kịch ra đời, có khi rút từ những tập tiểu thuyết của ông: "Bên đường dốc", "Lúa mùa thu", "Mở đường", "Cà sa giết giặc", "Một đảng viên", "Ni cô Đàm Vân", "Cô hàng rau", "Hoàng Lan", "Đêm dài"… Hầu hết những tác phẩm này đều mang đề tài cách mạng nhưng lại rất đời, với nhiều cảm xúc. Có lẽ, tác giả đã là người từng trải qua nhiều công việc, trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng nên kịch của ông mới tự nhiên, gần gũi mà ít khi lên "gân". Mỗi tác phẩm được dàn dựng, ông đều theo sát, góp ý kỹ đến từng chi tiết và tận tụy cho đến lúc chúng có thể đi vào lòng khán giả.
Trong giới làm nghề, hết thảy các thế hệ tác giả, đạo diễn đến diễn viên đều cảm phục và coi tác giả Học Phi là một cây đại thụ, một lão tướng của ngành sân khấu. Sức lao động bền bỉ, kiên nhẫn và nghiêm túc của ông có lẽ phải tận mắt chứng kiến mới tin nổi. Còn nhớ cách đây hơn một năm, để mừng ông thượng thọ 100 tuổi, Bộ VH,TT&DL giao cho Nhà hát Chèo Việt Nam phục dựng vở "Ni cô Đàm Vân". Đây là vở kịch nằm trong bộ tác phẩm của ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 và cũng là vở ông tâm đắc nhất. Đã có quá nhiều phiên bản, cả trên sân khấu kịch và vang dội ở sân khấu chèo khắp các nhà hát ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Bình… lần nào cũng nhận được sự xem xét, góp ý từ chính tác giả. Thế nên, NSƯT Hà Quốc Minh khi ấy là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đã rất cẩn trọng, đưa cả ê kíp thực hiện đến tận nhà tác giả Học Phi để xin phép và thống nhất cách dàn dựng. Sau đó, từ ngày lên sàn tập đến đêm tổng duyệt, ra mắt chính thức, tác giả Học Phi đều có mặt. Ông chăm chú và nghiêm túc theo dõi từng chút một. Có chi tiết yêu cầu sửa ngay. Ông cho rằng, luôn phải có tranh luận, trao đổi thì mới có thể xây dựng một vở diễn tốt.
Dù biết quy luật "sinh, lão, bệnh, tử" không chừa một ai nhưng sự ra đi của nhà viết kịch Học Phi vẫn là một sự mất mát lớn. Giờ đây, sân khấu mất đi một chỗ dựa vững chắc, vắng những lời góp ý, động viên xác đáng, tận tình của một người làm nghề nghiêm túc. Người yêu mến sẽ được đến đưa tiễn ông vào ngày 12-5 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).