Chênh vênh hai chữ “chuyên nghiệp”
Thể thao - Ngày đăng : 06:34, 08/05/2014
- Liên quan đến sự cố cá độ ở AFC Cup 2014 của các cầu thủ Xi măng The Vissai Ninh Bình, có thông tin chuyện cá độ còn liên quan đến cả các trận ở V-League. Đến thời điểm này, BTC V-League 2014 có thể khẳng định các trận đấu đã qua “sạch” được bao nhiêu phần trăm?
- Trưởng phòng Tổ chức thi đấu VPF Nguyễn Minh Ngọc: Hiện tại, Công an tỉnh Ninh Bình đã khởi tố, bắt giam 2 cầu thủ. Vụ việc điều tra vẫn đang dừng ở chuyện cá độ ở AFC Cup và Công an Ninh Bình đang mở rộng điều tra. Chừng nào chưa có kết luận, chúng tôi không thể trả lời câu hỏi này.
V. Ninh Bình sẽ không xuất hiện ở V-League mùa tới. |
- Sau trường hợp Ninh Bình bỏ giải, đã có những thông tin đồn đoán về khả năng có thêm CLB bỏ giải là Hùng Vương An Giang. Trong trường hợp đó, VPF có phương án dự phòng nào không?
- Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn: Chúng tôi chưa từng nghe trực tiếp lãnh đạo tỉnh An Giang hay lãnh đạo CLB Hùng Vương An Giang đề cập vấn đề bỏ giải. Đây đó chỉ xuất hiện phát ngôn của một vài cá nhân trên một số tờ báo. Hùng Vương An Giang là một đội bóng đại diện cho cả một địa phương, không đơn giản hễ nói bỏ là bỏ. Đã có những vi phạm về quy chế phát ngôn nên những ý kiến “bàn lùi” như vậy là rất thiếu trách nhiệm.
- V-League 2014 đã qua 15 vòng đấu, còn giải hạng Nhất cũng đã qua 8 vòng. Điều lo ngại nhất của VPF từ nay đến cuối giải là gì, thưa ông?
- Ông Phạm Ngọc Viễn: Đó là thái độ hợp tác của các CLB dự giải. Tôi yêu cầu các CLB phải mang tính chuyên nghiệp, không phản ứng thái quá với quyết định của các trọng tài. An ninh, an toàn của các trận đấu cũng cần phải được đặc biệt đề cao. VPF sẽ phối hợp chặt chẽ với C45 để tiếp tục điều tra các nghi án dàn xếp tỷ số.
- Không chỉ có chuyện Hùng Vương An Giang “bắn tin” bỏ giải vì khó khăn tài chính, gần đây còn xảy ra sự cố các cầu thủ Than Quảng Ninh suýt “đình công” trước trận gặp Thanh Hóa vì chuyện lương thưởng. VPF có thực sự kiểm soát được việc chứng minh tài chính 35 tỷ đồng đối với mỗi CLB?
- Ông Phạm Ngọc Viễn: Theo quy định, mỗi CLB dự V-League phải có bảo đảm tài chính đạt tối thiểu 35 tỷ đồng, mức tương ứng với mỗi CLB hạng Nhất là 15 tỷ đồng. Thực tế là trước mùa giải 2014, các CLB đều có cam kết, có báo cáo, hợp đồng của các nhà tài trợ. Nhưng do quy trình tài chính ở Việt Nam, nhiều khi việc giải ngân không xong trong một lúc, mà phải qua từng giai đoạn. Nguồn vốn chắc chắn nhất vẫn là nguồn của ngân sách tỉnh. Nguồn từ nhà tài trợ thường giải ngân sau. Hai sự cố nói trên cho thấy quá trình giải ngân của 2 CLB có vấn đề.
Bóng đá Việt Nam đang ở trong giai đoạn rất khó khăn. Ngay việc VPF yêu cầu các đội phải ký quỹ tối thiểu 2 tỷ đồng để bù trừ khi xảy tình huống, nhưng thực tế là không đội nào thực hiện việc này.
- Vậy phải chăng VPF đang bất lực trong việc điều hành giải đấu đối với các CLB?
- Ông Nguyễn Minh Ngọc: Tiền lệ phí, các CLB đều đóng. Về cam kết chứng minh tài chính 35 tỷ đồng, tất cả các CLB đều gửi về BTC trước mùa giải.
- Hội thảo về cấp phép các CLB chuyên nghiệp vừa được tổ chức. Xét theo tình hình hiện tại, Việt Nam có bao nhiêu CLB có thể được cấp phép chuyên nghiệp?
- Ông Phạm Ngọc Viễn: Nếu nói về những CLB có thể đáp ứng ngay yêu cầu, thì chỉ có 5-6 đơn vị đáp ứng được về sân bãi, cơ chế tài chính, nhân sự. Tuy nhiên, chúng tôi đã đề ra lộ trình tối đa 3 năm để các CLB có thể dần hoàn thiện các yêu cầu. Trước mắt, mùa giải 2015, các CLB phải đạt 3 yêu cầu tối thiểu. Một, công tác đào tạo trẻ, phải đủ 4 tuyến U21, U19, U17, U15; hai, phải cải tiến mặt sân; ba, phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu về tài chính như đã đề cập ở trên.
- Xin cảm ơn các ông.