Cú sốc trên chính trường Thái Lan
Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 08/05/2014
Theo cáo buộc của TCC, nữ Thủ tướng Yingluck đã lạm quyền trong vụ thuyên chuyển công tác Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Thawil Pliensri sang một cương vị khác năm 2011. Mặc dù TCC chưa công bố quy định về cách thức bầu chọn thủ tướng mới, thế nhưng dư luận xứ Thái đang hết sức lo ngại quyết định của TCC sẽ châm ngòi cho một làn sóng biểu tình mới có thể dẫn tới bạo lực ở đất nước Chùa Vàng. Có dấu hiệu cho thấy, lực lượng "áo đỏ" ủng hộ chính phủ do Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD) cầm đầu sẽ xuống đường để phản đối quyết định trên.
Biểu tình đường phố tại Bangkok khiến cuộc khủng hoảng trên chính trường Thái Lan thêm trầm trọng. |
Quyết định của TCC được đưa ra trong bối cảnh đảng Dân chủ (DP) đối lập không ngừng kêu gọi hoãn cuộc tổng tuyển cử mới - mà chính phủ tạm quyền và Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) vừa đạt được thỏa thuận - sẽ tổ chức vào ngày 20-7 tới. Cuộc tổng tuyển cử mới được giới phân tích nhận định là một cách thức có thể giúp Thái Lan vượt qua thế bế tắc chính trị hiện nay. Tuy nhiên, phán quyết của TCC khiến mọi nỗ lực hòa giải dân tộc thông qua cuộc tổng tuyển cử của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck đã chấm dứt.
|
Không ngừng kêu gọi trì hoãn cuộc tổng tuyển cử mới thêm 6 tháng nữa, trong bản kiến nghị gồm 10 điểm, Chủ tịch DP đối lập Abhisit đã đề nghị để một chính quyền chuyển tiếp thực thi cải cách như một phần trong kế hoạch phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay tại Thái Lan. Trong đề xuất mới này, ông Abhisit tiếp tục yêu cầu Thủ tướng tạm quyền Y.Shinawatra cũng như nội các đương nhiệm phải từ chức để mở đường cho một chính quyền không do các nhà chính trị điều hành, được các bên chấp thuận thực hiện giám sát tiến trình soạn thảo kế hoạch cải cách trước khi cuộc tổng tuyển cử mới được tổ chức trong vòng 5 hoặc 6 tháng sau đó. Theo đó, chính phủ mới được bầu ra sẽ chỉ nắm quyền trong một năm để thực hiện các chương trình cải cách. Theo ông Abhisit, kế hoạch sẽ giúp ngăn chặn tình trạng bạo lực leo thang. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chấp thuận khi EC cho rằng "thiếu dân chủ", bởi ông Abhisit chỉ tìm cách bỏ qua quá trình dân chủ để đòi tiến hành cải cách.
Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua trên chính trường Thái Lan đang không chỉ gây ảnh hưởng tới hình ảnh một đất nước thân thiện với du khách quốc tế mà còn tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Theo Ngân hàng trung ương Thái Lan, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có khả năng sẽ thấp hơn mức mục tiêu tăng 2,7% trong năm 2014. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ngân sách tài khóa 2015 có thể bị trì hoãn tới sáu tháng sẽ làm tổn thương sự phát triển của cả nền kinh tế.
Cùng với nhận định trên, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service mới đây cho biết, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm 2014 và 2015 rất có thể sẽ dưới 3%, thấp hơn mức trung bình 3,8% trong 10 năm qua. Điều khiến dư luận Thái Lan quan ngại nhất hiện nay là, nếu bế tắc trên chính trường tiếp diễn sang nửa cuối của năm nay và ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực du lịch hoặc công nghiệp thì mức tín nhiệm của thị trường Thái Lan sẽ rơi xuống mức tiêu cực. Đây là một thách thức lớn với bất cứ nhà lãnh đạo nào lên nắm quyền tại Thái Lan sau cuộc tổng tuyển cử mới dự kiến vào cuối tháng 7 tới.